Chỉ số cải cách hành chính: Bộ GTVT cuối bảng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:32, 24/05/2019
Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủyban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Kết quả Chỉ số CCHC đạt trên 80%bao gồm 14 bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhóm đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 4 bộ: Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y Tế và Bộ Giao thông vận tải.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 82,68%. Năm 2018 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%. Tuy nhiên, chỉ có 08 bộ có Chỉ số CCHC năm 2018 trên mức giá trị trung bình.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất với kết quả là 90,57%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 75,13%.
Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 thấp nhất (Bộ Giao thông vận tải) là 15,44% (Năm 2017 khoảng cách này là 20.23%).
So với năm 2017, có 15 đơn vị tăng điểm số, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8,11%.
Theo Bộ Nội vụ vẫn còn một số đơn vị không đạt điểm số của tiêu chí “Cung cấp dịch vụ công trực tuyến” hoặc tiêu chí “Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích”.
Tại tiêu chí “Ứng dụng CNTT của Bộ” lần đầu tiên không có đơn vị nào không đạt điểm. Kết quả điều tra xã hội học cũng tiếp tục cho thấy giá trị điểm số khá cao về các nội dung: “Tính kịp thời của thông tin được cung cấp trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ”; “Mức độ đầy đủ của thông tin được cung cấp trên Cổng/Trang thông tin của bộ”…
Kết quả PAR INDEX 2018 của các tỉnh, thành phố được phân loại theo 4 nhóm như sau:
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 80% trở lên, bao gồm 9 tỉnh, thành phố; Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 75% - dưới 80%, bao gồm 36 tỉnh, thành phố; Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 75%, bao gồm 15 tỉnh, thành phố; Nhóm D, đạt kết quả Chỉ số dưới 70%, bao gồm 3 tỉnh, thành phố.
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình, trong số đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số trên 70%.
Đáng chú ý, trong năm 2018 không có địa phương đạt kết quả dưới 60% và khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2018 là 19,53%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29,76%).
So sánh giá trị trung bình Chỉ số CCHC theo 6 vùng kinh tế cho thấy: Khu vực Đồng bằng sông Hồng có giá trị trung bình cao nhất với 79,51%, 11/11 địa phương thuộc khu vực này đều đạt kết quả Chỉ số CCHC 2018 trên 75%, trong đó có 4 đơn vị thuộc nhóm A.
Tây nguyên là khu vực có giá trị trung bình thấp nhất trong 6 vùng kinh tế, đạt 73,10%; cả 5 tỉnh thuộc khu vực này đều có kết quả chỉ số đạt dưới mức trung bình của cả nước.
Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 83,98%.
Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2018, có 3 địa phương đạt kết quả dưới 70%. Phú Yên là địa phương xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố với kết quả Chỉ số đạt 69,53%.
Phân tích chi tiết kết quả đánh giá tác động cho thấy, trong năm 2018, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đạt giá trị trung bình cao nhất, với kết quả tỷ lệ điểm là 83,20%; tiếp theo là sự đánh giá của đội ngũ công chức, lãnh đạo quản lý với tỷ lệ điểm trung bình đạt 74,71%; cuối cùng là đánh giá tác động của CCHC đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đạt tỷ lệ điểm trung bình là 68,92%. Nhìn chung, trong năm 2018, các đối tượng bên ngoài là người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả cải cách hành chính ở các địa phương.
Điều tra 5 đối tượng
Chỉ số CCHC là công cụ quản lý được Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng từ năm 2012 đến nay nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh.
Đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2018 ở Trung ương là 18 bộ, cơ quan ngang bộ. Đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2018 ở địa phương là 63 Ủyban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 39 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 41 tiêu chí, 96 tiêu chí thành phần.
Cấp bộ điều tra 5 nhóm đối tượng: Lãnh đạo cấp Vụ; Lãnh đạo cấp sở của các tỉnh, thành phố; Lãnh đạo phòng thuộc sở của các tỉnh, thành phố; Công chức phụ trách cải cách hành chính của các bộ thuộc đối tượng xác định Chỉ số cải cách hành chính; Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần đánh giá cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cấp tỉnh điều tra 6 nhóm đối tượng: Đại biểu HĐND tỉnh; Lãnh đạo sở; Lãnh đạo phòng thuộc Sở; Lãnh đạo huyện; Người dân; Doanh nghiệp được điều tra qua Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính.