Dùng siêu âm xử lý tinh bột để sản xuất bát đĩa tự phân hủy
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:18, 26/05/2019
Giáo sư Irina Potoroko, chia sẻ rằng theo hướng này, các nhà khoa học Nga đã dùng siêu âm để xử lý tinh bột hạt ngũ cốc, đồng thời, giải quyết vấn đề bảo quản ngũ cốc với ít tổn thất hơn và đặc biệt là sản xuất tinh bột ngũ cốc với hàm lượng chiếm khoảng 45 - 65% của toàn bộ khối lượng hạt chín.
Các nhà khoa học dùng siêu âm xử lý hỗn dịch (suspensions) nước tinh bột trong một hệ thống làm mát (23 - 33° C). Siêu âm phá vỡ hạt tinh bột thành các hạt nhỏ hơn và quá trình tinh thể hóa bắt đầu nhờ hệ thống làm mát: dung dịch biến thành gel.
Ngoài việc xử lý bằng siêu âm, các nhà khoa học còn bổ sung các axit chống oxy hóa. Do tính toàn vẹn của các hạt tinh bột bị vỡ nên độ nhớt của dung dịch tăng. Phương pháp chế biến tinh bột ngũ cốc mới này cho phép thu được các loại tinh bột có khả năng giữ nước cao. Nói cách khác, độ nhớt của tinh bột tăng lên và được làm giàu bằng các hoạt chất sinh học.
Tinh bột biến tính là một sản phẩm tự nhiên hình thành các nhũ tương và hydrogel bền hơn để sản xuất thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm khác nhau, cần một loại tinh bột biến tính nhất định: ví dụ, tinh bột độ nhớt cao dùng trong sản xuất thạch, còn tinh bột với độ nhớt thấp trong sản xuất các sản phẩm nướng. Nghiên cứu này có ý nghĩa đối với Ấn Độ do năng suất khoai tây cao ở đất nước này. Ngoài ra, ở Ấn Độ, tinh bột thường được thêm vào thuốc như một thành phần đảm bảo để cơ thể hấp thụ các yếu tố có lợi.
Trong tương lai gần, nhóm khoa học cũng có kế hoạch phát triển màng phân hủy sinh học dựa trên tinh bột để làm bộ đồ ăn dùng một lần. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm tỷ lệ tối ưu của các thành phần và phương thức xử lý chế phẩm. Thực hiện thành công dự án này sẽ giải quyết vấn đề tái chế nhựa: bát đĩa, bao bì làm từ màng sinh học sẽ được tái chế, không gây hại cho môi trường.
Vũ Trung Hương