Mỹ, Đài Loan gặp mặt giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 19:30, 27/05/2019
Trong tuyên bố phát đi hôm thứ bảy (25.5), cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan David Lee đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hồi đầu tháng này.
Theo hãng thông tấn Trung Ương Đài Loan (CNA), cuộc gặp giữa các quan chức an ninh cấp cao Mỹ, Đài Loan là lần đầu tiên kể từ khi hòn đảo và Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Cuộc gặp giữa các quan chức an ninh cấp cao Mỹ, Đài Loan diễn ra từ ngày 13 tới 21.5. Trong chuyến đi này, cùng với các quan chức chính phủ Mỹ, người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan David Lee đã gặp gỡ các đại diện của các đồng minh ngoại giao, tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết vì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Reuters dẫn tuyên bố của cơ quan Ngoại giao Đài Loan.
Cuộc gặp hiếm có này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc nổi giận trong khi Đài Loan sẽ coi là dấu hiệu ủng hộ từ chính quyền của Thổng thống Donald Trump giữa lúc căng thẳng gia tăng gần đây giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Trung Quốc từ lâu luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất và không ngừng gây áp lực đối với hòn đảo này, kể cả bằng vũ lực. Bầu không khí ngoại giao đã gia tăng căng thẳng trong những tuần gần đây khi chiến tranh thương mại leo thang, các lệnh trừng phạt của Mỹ và tư thế quân sự ngày càng cơ bắp của Trung Quốc ở Biển Đông - nơi Mỹ đẩy mạnh tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Trong vài tháng qua, Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra qua Eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh cũng tăng cường áp lực quân sự và ngoại giao để khẳng định chủ quyền của họ đối với hòn đảo dân chủ. Trung Quốc đã nhiều lần triển khai máy bay, tàu chiến xung quanh đảo trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, đồng thời gia tăng sức ép nhằm khiến hòn đảo tự trị này mất đi nhiều đồng minh ngoại giao.
Hiện nay Đài Loan chỉ có quan hệ chính thức với 17 quốc gia, hầu hết tất cả các quốc gia nhỏ, kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương, như Belize và Nauru. 5 quốc gia khác đã chuyển sang quan hệ với Trung Quốc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016. Các quốc gia như Quần đảo Solomon, đang cân nhắc lợi ích của quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Trước động thái cô lập Đài Loan của Trung Quốc, hồi đầu tháng này, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ một dự luật hỗ trợ Đài Loan khi các thành viên của quốc hội thúc đẩy một cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ với Bắc Kinh. Bước đi này cũng sẽ phải đối mặt với áp lực ngoại giao và quân sự từ phía Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên án và nói rằng dự luật này là một sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đồng thời coi đó là một vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và quy định trong tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, cơ quan ngoại giao Đài Loan nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh và bày tỏ lòng “biết ơn” với động thái "tích cực" của Mỹ. “Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Mỹ để củng cố vững chắc hơn mỗi quan hệ đối tác Washington – Đài Bắc", cơ quan này nói trong một tuyên bố.
Dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", và không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, Mỹ trên thực tế vẫn chịu ràng buộc theo pháp luật về việc cung cấp phương tiện giúp Đài Loan phòng vệ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỉ USD vũ khí từ năm 2010.
Hoàng Vũ (theo Reuters)