Việt Nam có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gen
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:01, 29/05/2019
Ngày 28.5, trong khuôn khổ triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, Bộ KH-CN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sự kết hợp của giải mã gen và trí tuệ nhân tạo -một cách tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe”.
Tham dự Hội thảo còn có rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều Trường đại học lớn trên thế giới. Với bài tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khoa học giải mã gen”, Giáo sư Gill Bejerano - Khoa Khoa học Dữ liệu Y sinh (Đại học Stanford) đã chỉ ra rằng, ứng dụng giải mã gen trong chẩn đoán bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng như tìm đúng bác sĩchuyên khoa cho vấn đề sức khỏe họ đang gặp phải, chỉ ra cách dùng thuốc và lên kế hoạch điều trị, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe… Giáo sư Gill Bejerano nhận định ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gen ở Việt Nam rất tiềm năng.
Có rất nhiều chuyên gia nước ngoài tham dự Hội thảo - Ảnh: Bộ KH-CN
Trong bài tham luận “Từ hệ gen đến sức khỏe: Những thách thức trong việc ứng dụng di truyền học trong cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”, Giáo sư Roy Perlis - Trường Đại học Y khoa Harvard đã nêu rất nhiều những căn bệnh nguy hiểm là bệnh di truyền.
Điển hình như tự kỷ chiếm 90%, tâm thần phân liệt chiếm 90%, tiểuđường loại 2 chiếm 80%, viêm khớp dạng thấp chiếm 60%... và cấu trúc gen liên quan đến phần lớn những căn bệnh phổ biến rất phức tạp. Hiện nay, thế giới đã phát triển nhiều mô hình ngân hàng gen để dò tìm những biến thể với nguy cơ gây bệnh.
Tuy nhiên, Giáo sư Roy Perlis lưu ý ngân hàng gen không thể tính hết sự đa dạng chủng tộc trên thế giới. Cụ thể, những dữ liệu có sẵn tại ngân hàng gen trên thế giới đa số tập trung vào người gốc Bắc Âu, vì thế những khám phá trong nghiên cứu và y học từ ngân hàng gen này sẽ rất có lợi cho người Bắc Âu nhưng lại không chính xác cho những nhóm người khác. Vì vậy, rủi ro bệnh từ những biến dị phát sinh ở các chủng tộc khác vẫn chưa được khám phá.
Ông David Strohm (Quỹ đầu tư Greylock) - Ảnh: Bộ KH-CN
Việt Nam cần Trung tâm giải mã gen
Để chính xác hệ thống gen của người Việt, cá nhân hóa phác đồ điều trị cho người Việt, ông David Strohm, Quỹ đầu tư Greylock cho rằng, Việt Nam nên xem xét đến việc hình thành Trung tâm giải mã gen.
Ông David Strohm lý giải, nếu có bản đồ gen của người Việt, việc sử dụng và bảo mật sẽ an toàn hơn rất nhiều vì có những quy định của quốc gia. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành “người dẫn đầu” về lĩnh vực này. Vì vậy, khi theo đuổi định hướng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần làm chủ công nghệ lõi để phân tích dữ liệu lớn.
Theo các chuyên gia, ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể nhập khẩu nhiều công nghệ, song nghiên cứu về gen lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đông Nam Á đang được coi là “vùng trũng” trong công nghệ giải mã gen dẫn đến việc khó khăn trong việc tiếp cận với các công nghệ và các nghiên cứu y khoa tiên tiến. Người Việt nói riêng và người Châu Á nói chungcần có các công trình nghiên cứu gen cho riêng dân tộc mình.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra nhiều sự biến đổi, trong đó có lĩnh vực y tế mà cụ thể là thay đổi, phát triển phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh thông qua giải mã gen. Với sự phát triển, kết hợp đồng bộ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gen, xử lý ảnh… đã giúp chúng ta có thể chẩn đoán bệnh theo một cách mới.
Thu Anh