Thói quen của cha mẹ làm hư trẻ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:18, 29/05/2019
Dung túng cho hành vi ngang ngược
Hãy tưởng tượng bạn dẫn con đi ăn quán, con đã ăn hết đồ tráng miệng nhưng lại đòi ăn kem nữa, bạn thì không muốn cho con ăn tiếp vì con đã ăn quá nhiều. Tuy nhiên, con không nghe lời và bắt đầu khóc lóc ăn vạ, la hét ầm ĩ khiến mọi người xung quanh liếc nhìn khó chịu, khi đó không ít cha mẹ sẽ xuống nước và cho con ăn kem như ý để con không quấy nữa.
Bạn đã nhận ra sai lầm ở đây chưa? Chiều theo yêu cầu của con khi con ăn vạ sẽ dạy cho con thói quen xấu là chỉ cần khóc lóc, la hét thì sẽ được đáp ứng mọi đòi hỏi. Trẻ nhỏ học rất nhanh, chúng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện và cứ ăn vạ đến khi nào bố mẹ chịu chiều theo mới thôi, vì vậy đừng nuông chiều thói quen xấu này dù chỉ một lần.
Dọa mà không phạt
Khi bố mẹ cảnh cáo sẽ phạt con, họ nên thực hiện lời mình nói. Việc dọa mà không phạt còn nguy hiểm hơn im lặng, không phạt gì. Nó khiến trẻ từ từ nhận ra rằng bố mẹ chỉ nói vậy thôi và dần đánh mất niềm tin ở người lớn. Hệ giá trị của trẻ bị hủy hoại khi chúng không thể phân biệt tốt, xấu. Đương nhiên, phụ huynh có thể không phạt con nếu lời đe dọa có hiệu quả. Kèm theo đó, họ nên giải thích rõ lý do không phạt.
Đổ lỗi cho người khác
Mỗi khi con làm điều gì sai, cha mẹ lại tìm lýdo để biện minh cho hành vi đó thay vì nhận lỗi về phía con mình. Nếu cô giáo nói con không chú ý trong giờ, bạn ngay lập tức nghĩ do bài giảng của cô quá nhàm chán. Hoặc nếu con chơi ở công viên trò chơi và giành đồ với bạn, bạn sẽ mắng đứa bé kia không biết nhường.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi như vậy con bạn sẽ không nhận thức được hậu quả những hành vi của mình gây ra và không biết chịu trách nhiệm. Khi lớn lên, con sẽ đổ lỗi cho người khác khi việc không như ý mà không nhận ra lỗi của mình.
Không phân công đủ việc cho trẻ
Từ khi trẻ chập chững biết đi, chúng ta đã có thể dạy trẻ cách làm sạch đồ chơi của chúng. Khi trẻ lớn lên, chúng có thể làm nhiều việc hơn như: dọn giường, cho thú cưng ăn, dọn bàn ăn. Trẻ dần dần sẽ biết cắt cỏ, cọ rửa bồn tắm và lau cửa sổ.
Bạn nên dạy trẻ cảm thấy chúng có trách nhiệm làm việc nhà. Trong gia đình, mỗi thành viên sẽ thực hiện một nhiệm vụ riêng. Quan niệm này cũng rất đúng khi bước ra ngoài cuộc sống. Là một công dân, chúng ta làm theo đúng quy tắc, bảo vệ môi trường và giúp đỡ lẫn nhau. Tại nơi làm việc, chúng ta sẽ làm những nhiệm vụ chuyên biệt và đáp ứng yêu cầu của cấp trên.
Làm việc nhà giúp trẻ em sớm có trách nhiệm, phát triển nhân cách và đạo đức nghề nghiệp.
Để con phụ thuộc vào công nghệ
Không thể phủ nhận công nghệ hiện đại đã đáp ứng được những nhu cầu tiện ích của con người, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều. Nhưng trong số những phụ huynh có con nhỏ, không ít những bậc cha mẹ quen đưa cho con điện thoại, máy tính bảng bất cứ khi nào từ ăn cơm, trên xe bus, chờ xếp hàng,...
Liệu họ có biết tác hại khi để trẻ con tiếp xúc quá nhiều với công nghệ? Hay thậm chí biết nhưng vẫn “tặc lưỡi” cho qua vì không có thời gian, vì bận quá nhiều việc mà không ở bên chơi cùng con? Thay vào đó, hãy dạy con mình cách kiên nhẫn chờ đợi, tự chơi một mình, tìm kiếm bạn bè thay vì lệ thuộc vào công nghệ.
Quyết định mọi việc thay trẻ
Một số trẻ thường than phiền rằng cha mẹ chúng quá nghiêm khắc. Nhiều phụ huynh thậm chí lựa chọn cả bộ phim con sẽ xem, và quần áo để chúng mặc. Bạn cần phải cho phép con cái tự quyết định các vấn đề ít quan trọng hơn. Những đứa trẻ cần được tự tìm tòi và khám phá. Nếu chúng vấp ngã, đây là cơ hội để chúng lớn lên từ những vấp ngã đó.
Trẻ em cần một số quyền tự chủ. Cha mẹ sẽ là người lựa chọn quyền nào nên trao cho chúng.
Bao bọc con một cách thái quá
Là cha mẹ, hẳn ai cũng muốn bảo vệ con để con bình an, khỏe mạnh lớn lên. Tuy nhiên, nhiều người lại làm quá đến mức quyết định thay con mọi chuyện, giúp con ngay khi mọi chuyện không như ý muốn. Đây là một sai lầm thường thấy trong xã hội hiện đại.
Kiểu dạy con như vậy sẽ tạo ra những đứa trẻ "gà công nghiệp", không độc lập, thiếu chính kiến, không có kỹnăng giải quyết vấn đề. Và cũng vì ít được trao cơ hội mắc sai lầm và tự sửa lỗi nên trẻ sẽ có thái độ kiêu ngạo, luôn cho mình là đúng.
Không dạy trẻ đồng cảm
Trẻ em rất thích biến mình thành trung tâm. Vì vậy, bạn phải dạy trẻ biết quan tâm đến những người khác.Khi đòi mua một bộ lego, một đôi giày mới, hay chiếc Iphone mới nhất, trẻ em có thể thỏa mãn sự ham thích của mình, nhưng chẳng để ý gì đến người khác.
Một cách để dạy cho trẻ biết yêu và quan tâm đến người khác là giúp đỡ người khác. Cho dù đó là phục vụ bữa ăn tại nơi ở của những người vô gia cư, viết một bức thư cho một người thân lớn tuổi, hay thăm hỏi hoàn cảnh của người khác. Dạy trẻ biết chia sẻ thời gian và của cải của chúng cho người khác sẽ giúp chúng tìm thấy niềm vui đích thực.
Không có đứa trẻ nào là hoàn hảo, và cha mẹ cũng vậy. Nhưng chúng ta có thể dạy cho trẻ những thói quen tốt để trẻ trở thành người tốt hơn.
An Hoa (t/h)