An toàn thông tin-yếu tố sống còn trong lĩnh vực ngân hàng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:48, 30/05/2019

Xu thế chuyển đổi số của nền kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính mang đến rất nhiều lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân. Sự thay đổi đó là tất yếu nhưng chứa ẩn nhiều nguy cơ tiềm năng về an toàn thông tin trong các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Ngày 30.5 tại Hà Nội, Banking Việt Nam 2019 với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” đã thu hút sự quan tâm của giới tài chính ngân hàng, các công ty Fintech, và các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bên cạnh nhiều trụ cột khác, thanh toán điện tử sẽ là một trong những trụ cột quan trọng, đóng góp vào thành công trong việc triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Việt Nam đang tập trung thực hiện trụ cột thanh toán điện tử và đã đạt được một số kết quả nổi bật như khung pháp lý cho hoạt động thanh toán không ngừng hoàn thiện, là cơ sở cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện ích, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh QR Code; thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ với tốc độ nhanh và tạo sự tiện lợi cho người dân.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN, thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới cần chú ý xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN

Bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên dữ liệu big data và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng…

Nói về việc ngăn ngừa tấn công mạng, tránh lộ bí mật thông tin, trong Security World 2019 diễn ra ngày 29.5, ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) nhấn mạnh: “Hệ thống ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là một trong những lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục nhất trong mô hình dịch vụ mới. Xu thế chuyển đổi số của nền kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính mang đến rất nhiều lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân. Sự thay đổi đó là tất yếu nhưng chứa ẩn nhiều nguy cơ tiềm năng về an toàn thông tin trong các tổ chức tài chính, ngân hàng”.

Ông Tiến lý giải đây chính là mục tiêu mà tin tặc nhắm đến với các cuộc tấn công ngày càng tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ về kinh tế mà còn thiệt hại đối với uy tín của các tổ chức ngân hàng. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn thông tin là một trong những yếu tố sống còn của nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT)

Vì vậy, ông Trần Mạnh Thắng – Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp phải kiện toàn đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin. Đơn vị chuyên trách phải có nhiệm vụ tham mưu, đôn đốc, kiểm tra những đơn vị trực tiếp bảo vệ hệ thống thông tin. Mỗi cơ quan, tổ chức phải chỉ ra một đơn vị hoặc một doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ hệ thống thông tin đó. Bộ TT-TT khuyến nghị đơn vị tổ chức bảo vệ, giám sát nên độc lập với đơn vị kiểm tra, đánh giá.

Ngoài ra, ông Thắng cũng nhấn mạnh các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng không sử dụng các thiết bị, sản phẩm trong hệ thống mà không có độ tin cậy. Quan trọng nhất, việc đầu tư cho an toàn thông tin phải chiếm tỷ lệ tối thiểu 10% so với kinh phí đầu tư cho phát triển ứng dụng CNTT.

Bài, ảnh: Thu Anh

Thu Anh