Thử nghiệm vắc xin COVID-19 Moderna qua lời kể của tình nguyện viên
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:37, 10/10/2020
Vài năm trước nhà báo Hardy từng là tình nguyện viên thử vắc xin ngừa bệnh than của công ty Benchmark Research. Đến tháng 5 họ mới gọi lại và thông báo thử nghiệm đã kết thúc, cô thuộc nhóm tiêm giả dược thời điểm đó.
Benchmark Research (hợp tác với Moderna) còn cho nữ nhà báo biết công ty đang gấp rút tuyển 30.000 người trên khắp nước Mỹ để thử loại vắc xin “bạn biết là gì đó” – khi liên hệ họ chưa được phép tiết lộ thông tin.
Hardy lập tức đăng ký. Vào tháng 2, nữ nhà báo đến Hàn Quốc tìm hiểu nhóm tôn giáo khiến dịch COVID-19 bùng phát tại nước này, rồi sang Úc lúc quốc gia châu Đại Dương áp đặt phong tỏa, sau vài tháng phải về Mỹ làm việc.
Cô luôn cố tránh bị lây bệnh trong hành trình di chuyển nhưng không muốn đặt cược vào vận may nữa. Chi phí điều trị đắt đỏ ở nước có nền y tế tốt bậc nhất thế giới cũng thôi thúc Hardy tham gia thử vắc xin COVID-19.
Sử dụng RNA thông tin (mRNA) kích hoạt phản ứng miễn dịch, sản phẩm do Moderna phát triển về cơ bản mô phỏng một trường hợp nhiễm COVID-19 tự nhiên, đánh lừa cơ thể sản xuất kháng thể chống lại nhiễm trùng.
Thời gian từ điều chế trong phòng thí nghiệm đến thử nghiệm trên người chỉ mất 63 ngày. Hai giai đoạn trước cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả.
Hardy không thấy lo ngại vì biết rằng giới khoa học đã nghiên cứu chủng vi rút này kể từ lúc đại dịch SARS bùng phát năm 2002, tháng 1 năm nay đã giải mã thành công bộ gen vi rút gây COVID-19. Cô tin tưởng các hãng dược không tự làm sụp đổ danh tiếng của mình bằng cách tung ra sản phẩm nguy hiểm.
Quy trình nghiêm ngặt
Hardy phải trải qua hàng loạt kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm. Đơn vị phụ trách thực hiện thử nghiệm xem xét bệnh sử, loại thuốc cô sử dụng, đo huyết áp, thử thai và lấy đến 8 lọ máu. Họ theo dõi ảnh hưởng vắc xin gây ra thông qua các mẫu máu trong suốt quá trình thử nghiệm.
Cả bác sĩ lẫn tình nguyện viên đều chẳng được cho biết thứ họ tiêm/ được tiêm là vắc xin hay giả dược. Lần tiêm đầu tốn khoảng 3 tiếng đồng hồ, Hardy nhận 150 USD.
Trong tuần đầu tiên, mỗi ngày nữ nhà báo đều cần hoàn thành biểu mẫu kiểm tra trên ứng dụng điện thoại, đo nhiệt độ và đánh giá triệu chứng. Đến cuối tuần có bác sĩ gọi điện hỏi thăm. Tình nguyện viên nếu bệnh sẽ được đưa đến cơ sở y tế (may mắn Hardy vẫn bình thường).
Tác dụng phụ
Hardy không hoàn toàn thấy khỏe. Vài ngày đầu cô giống như đang mắc bệnh cúm, nhưng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hay công việc. Nơi tiêm thì sưng phồng lên và đau nhức kéo dài nên cô không thể dùng tay trái trong một khoảng thời gian.
Do từng gặp tình trạng tương tự lúc tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) thời trung học nên nữ nhà báo bắt đầu nghĩ bác sĩ đã tiêm vắc xin COVID-19 chứ không phải giả dược.
Mọi triệu chứng biến mất sau 4 ngày. Tình trạng lặp lại ở mũi tiêm thứ hai vào 28 ngày sau, tuy nhiên tác dụng phụ chỉ kéo dài chưa đầy 48 tiếng.
Cô quyết định đi xét nghiệm kháng thể. Kết quả là dương tính, Hardy không chắc đây có phải do vắc xin hay không. Nữ nhà báo cùng người mà cô tiếp xúc chẳng hề có dấu hiệu nhiễm COVID-19.
Dù vui mừng vì bản thân nay đã có kháng thể nhưng Hardy vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang, tránh nơi thiếu thông thoáng. Cô hiểu kháng thể không phải rào cản tuyệt đối.