Mỹ xác định 143 tổ chức, cá nhân Trung Quốc thuộc ‘danh sách đen’ xuất khẩu
Quốc tế - Ngày đăng : 14:38, 31/05/2019
Tổ chức/cá nhân có tên phải xin giấy phép từ Cục Công nghiệp - An ninh (BIS, trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ)trước khi xuất khẩu, tái xuất hoặc vận chuyển bất cứ mặt hàng đang chịu kiểm soát thương mại nào bao gồm cả phần mềm và công nghệ từ công ty Mỹ. Phần lớn trường hợp kiểu này thường bị bác bỏ, vì rất khó chứng minh được việc bán sản phẩm không gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Hầu hết đối tượng Trung Quốc thuộc Entity List đều là đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật, vật liệu chế tạo linh kiện công nghệ cao.
Họ bao gồm Viện nghiên cứu Thiết bị điều khiển tự động hóa Bắc Kinh (BACEI), Viện nghiên cứu Kỹ thuật chế tạo hàng không Bắc Kinh -trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), Viện nghiên cứu Cơ giới động lực Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu - phát triển Khí động lực học Trung Quốc (CARDC), Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETG).
Trong Entity List còn xuất hiện tên của không ít nhà phân phối linh kiện: công ty Thiên Cao (Tenco), công ty Ngải Văn (Avin) và công ty Dục Trung đều đặt trụ sở tại Thẩm Quyết, công ty Multi-Mart trụ sở tại Quảng Đông.
Tổ chức học thuật cũng không thoát: đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BUAA), đại học Trung Sơn, đại học Công nghệ quốc nghệ quốc phòng Trung Quốc (NUDT), đại học Công nghiệp Tây Bắc, đại học Tứ Xuyên, đại học Công nghệ - Điện tử Trung Quốc.
Ngoài đơn vị công nghệ, doanh nghiệp ngành khác cũng có tên như công ty Hóa chất Quang Hoa ở Nội Mông, Tập đoàn dầu khí Kiệt Thụy ở Sơn Đông.
Dù chưa nhiều bằng Nga (317 đơn vị bị liệt vào Entity List),nhưng số lượng đối tượng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng. Hiện đã xuất hiện thông tin Mỹ muốn xử lý cả công ty sản xuất máy bay không người lái DJI (trụ sở Thẩm Quyến) hay nhà cung cấp hệ thống giám sát như công ty Đại Hoa, Hải Khang (Hikvision), Khuáng Thị (Megvii), Meiya Pico, iFlytek.
Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei cùng 68 chi nhánh vào Entity List. Nhiều doanh nghiệp công nghệ, tổ chức tiêu chuẩn, đơn vị nghiên cứu lập tức tuân thủ lệnh cấm bằng cách cắt đứt quan hệ với tập đoàn Trung Quốc.
Đối thủ Huawei tại Trung Quốc từng chịu lệnh cấm tương tự. ZTE vào giữa năm ngoái phải ngừng gần như tất cả hoạt động chính và ước tính bị lỗ hơn 3 tỉ USD, tập đoàn sau đó phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu do Mỹ đưa ra để được “tạm tha”.
Giới phân tích nhận định Huawei cũng sắp lâm vào tình trạng việc làm ăn chịu ảnh hưởng xấu, đe dọa đến doanh thu chạm mốc 105 tỉ USD (gấp 8 lần ZTE) vào năm 2018 của họ.
Cẩm Bình (theo SCMP, HQew)