Ông Mai Tiến Dũng: Đừng vội nói lợi ích nhóm trong dự luật về tác hại rượu bia
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:35, 31/05/2019
Phải đánh giá kỹ dự luật về rượu bia
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào chiều 31.5, trả lời câu hỏi của báo chí về việc ldự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có phải là bước lùi khi đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu bia, và có hay không vấn đề lợi ích nhóm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận đây là vấn đề xã hội rất quan tâm.
Theo ông Dũng, khi luật trình Quốc hội, Thủ tướng đều có chỉ đạo rất kỹ lưỡng, yêu cầu đánh giá tác động kỹ càng, đồng thời khẳng định dự luật này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng rượu bia gây ra, điển hình là các vụ tai nạn giao thông.
Lý giải việc dự luật đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu, bia như cấm bán rượu, bia trên Internet, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận khách quan.
"Có ý kiến đặt vấn đề dự thảo Luật lần này là bước lùi so với dự thảo trước, song chúng ta phải nhìn thực tế, việc cấm quảng cáo, bán hàng trên internet có khả thi hay không trong xu hướng thương mại điện tử của cả thế giới hiện nay", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, đưa ra quy định phải tính cho khả thi để thực hiện, với việc có thể tác động đến cuộc sống thì phải lường trước được vấn đề.
Đặc biệt, ông Dũng cho rằng đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, vì phải thông tin hai chiều.
Trước đó sáng 23.5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho hay dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 36 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo do Chính phủ trình tại kỳ họp cuối năm 2018 và có nhiều điểm mới.
Cụ thể, tại kỳ họp trước, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên Internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử; tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý theo hướng, dự Luật không cấm bán rượu, bia trên Internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.
Nhiều khó khăn trong việc cấp đông thịt lợn
Trả lời báo chí về xuất cấp đông thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay đây là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu rất nhiều các bộ, ngành liên quan đến việc tập trung xử lý dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Hải, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng, theo phán đoán có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
“Phải xác định đây là việc hết sức khó khăn. Thứ nhất khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong thời gian dài với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở chế biến, cấp đông. Hiện nay cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng.
Khó khăn tiếp theo là nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân Việt Nam hiện còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho các doanh nghiệp đầu mối khi họ đã thu mua, cấp đông, trong việc dự trữ và bán các sản phẩm ra sau này. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể làm những việc này theo chỉ đạo của các cấp ngành nhưng sau này có bán được hay không vẫn là câu hỏi lớn.
“Điểm khó khăn nữa là một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng nên thịt lợn cấp đông sẽ đi nhiều hơn vào các cơ sở chế biến thực phẩm, còn trực tiếp tới tay khách hàng thì còn khó khăn”, ông Hải nêu.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng giá của các sản phẩm thịt lợn tại thời điểm này còn rất thấp, thậm chí rất khó bán, trong khi người nông dân còn tồn không bán được và hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn, nguy cơ dịch lan đến gây chết cho cả đàn lợn là rất cao. Trong khi cũng phải tính đến cung cầu của mặt hàng thịt lợn, ví dụ trong 3-4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước tết cổ truyền của Việt Nam cũng không còn nhiều.
“Liệu lúc đó có đủ thực phẩm, mặt hàng thịt lợn vốn tiêu dùng rất phổ biến ở Việt Nam cho người tiêu dùng hay không? Chúng tôi đã tập hợp các ý kiến để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những giải pháp”, ông Hải chia sẻ.
Theo đó, mục đích thứ nhất là phải nhanh nhất đưa ra những quyết định phù hợp có thể đưa ngay vào cuộc sống; thứ hai, phải bảo đảm tất cả thịt lợn thu mua và sau đó cấp đông an toàn vệ sinh thực phẩm; thứ ba là có sự phối kết hợp với các bộ ngành có liên quan để sớm nhất hỗ trợ cho người chăn nuôi, người nông dân và kể cả tính đến cung cầu mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt lợn trong thời gian sắp tới.
Lam Thanh