Xin ý kiến đại biểu về thời gian cấm bán rượu bia
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:28, 03/06/2019
Nội dung 1 quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông (khoản 8 điều 5 của dự thảo luật).
Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
Nội dung 2 quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ tại điều 5 của dự thảo luật
Phương án 1: Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau.
Phương án 2: Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.
Nội dung 3 quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình (điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật).
Phương án 1: Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.
Phương án 2: Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.
Mỗi phương án đều có phần "ý kiến khác" để các vị đại biểu thể hiện chính kiến. Và các ý kiến khác này sẽ được tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngay sau khi kết thúc việc xin ý kiến tại hội trường.
Dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 này của Quốc hội, song nhiều quy định tại dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vẫn còn ý kiến rất khác nhau.
Thảo luận tại hội trường ngày 23.5 vừa qua, có ý kiến cho rằng các quy định còn quá chung, chưa đủ sức răn đe, đề nghị phải bổ sung các chế tài phạt nặng, xử lý nghiêm minh.
"Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của Dự thảo Luật so với xu thế chung, dường như đi ngược lại với tính chất nguy hiểm với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe con người, nhưng có vẻ bắt kịp rất nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu bia”, ĐB Nguyễn Thị Minh Hiền thẳng thắn.
ĐB này dẫn chứng, đối với quy định độ tuổi mua rượu bia, các nước phát triển hiện còn lúng túng, nhưng họ vẫn làm vì họ dự báo được tình hình. Việt Nam có thể áp dụng tương tự, ban hành các quy định và thực hiện theo lộ trình để dần dầnthay đổi nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng rượu bia.
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền cho rằng, không thể chần chứ để chờ tuyên truyền mà thay đổi hành vi văn hóa của con người. Thay vào đó, là những quy định nghiêm, có tính răn đe, phòng chống được tác hại của thứ đồ uống này gây ra.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân cũng đề nghị Quốc hội đưa trở lại dự luật có các chế định nghiêm khắc trước đây, đồng thời rà soát điều chỉnh lại độ cồn ở ngưỡng 4 – 5 độ trong tất cả các quy định, thay vì 5,5 độ trong dự thảo luật.
ĐB Nhân bày tỏ quan điểm, dự Luật phải đứng về phía nhân dân chứ không phải của bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào khác.
“Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng chưa hoàn chỉnh về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khỏe nhân dân. Chi phí cho ra đời một dự luật không hề nhỏ đến từ nguồn thuế của nhân dân. Nhưng nếu luật ra đời không phục vụ đúng lợi ích của nhân dân, thì nó đảm bảo tính đại diện lợi ích chung của xã hội mà nhà lập pháp từng cam kết trước đồng bào cử tri khi vận động tranh cử”, ông Nhân nói.
Lam Thanh