Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị cộng đồng lên án hành vi của Ngọc Trinh ở LHP Cannes
Văn hóa - Ngày đăng : 19:53, 05/06/2019
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết về vấn đề người mẫu NgọcTrinhsang tham dự ở LHP Cannes tháng 5 vừa qua là đáng lên án. Trả lời về vấn đề xử lý những hành vi này, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
“Vừa qua có nhiều hiện tượng lệch chuẩn mà công an đã vào cuộc xử lý một số trường hợp. Rồi có hiện tượng công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng lệch chuẩn... Như vừa rồi chúng ta biết có hiện tượng người mẫu Ngọc Trinh dự liên hoan phim Cannes ở nước ngoài. Người mẫu này không phải được Bộ VHTT-DL cử đi mà đi theo cá nhân nhưng lại có hành vi hết sức lệch chuẩn, hết sức phản cảm.
Chúng ta nên phê phán gay gắt hành vi này. Giải pháp trước mắt là đề nghị cộng đồng phải lên án, đây là hành động phản văn hóa, ảnh hưởng uy tín cộng đồng. Về xử phạt, chúng tôi đang nghiên cứu xem trong luật quy định hiện hành chúng ta xử phạt hiện tượng này thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm tại LHP Cannes
Riêng về các hiện tượng mạng thời gian qua như Khá Bảnh, Phúc XO, bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phimVợ bamà một đại biểu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xin phép để buổi họp sáng 6.6 sẽ trả lời.
Về các cuộc thi sắc đẹp liên tục được tổ chức một cách vô tội vạ thời gian qua, ông Thiện cho biết các cuộc thi hoa hậu hiện nay đều được cấp phép đúng quy định. Với những cuộc thi có sai phạm hay có dấu hiệu "mục đích riêng" đều bị xử lý. Tuy nhiên, công tác xử lý chưa triệt để do Nghị định 79 còn nhiều vấn đề. Bộ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 79 trước tháng 10.
Cũng trong phiên chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng trả lời về hành vi vi phạm pháp luật của một số ít công dân Việt Nam khi lợi dụng tôn giáo, tâm linh để trục lợi.
"Thương mại hoá tâm linh và lợi dụng tâm linh, thu lợi bất chính, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trả lời trực tiếp câu hỏi từ đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng mà chỉ xử phạt mức 5 triệu là quá nhẹ so với tính chất, mức độ, hành vi tác động xã hội. Bộ trưởng cho biết:
"Việc xảy ra ở chùa Ba Vàng chúng ta đã biết, chùa Ba Vàng vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng tới đạo đức, lối sống văn hoá, chúng ta cần lên án, cần xử lý.Vừa qua, UBND TP. Uông Bí đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hoá đối với bà Phạm Thị Yến là 5 triệu đồng.
Theo Nghị định 158 thì đây là mức phạt cao nhất.Chúng tôi thấy rằng phạt bằng tiền thực ra 5 triệu là rất nhỏ, nếu có lên 100 triệu tôi nghĩ cũng không phải lớn. Vấn đề tiền chỉ là một phần, chúng ta cần tăng nặng hình phạt về quản lý nhà nước. Điều quan trọng hơn làm thế nào chúng ta phải lên án, phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức đó. Tôi nghĩ vừa kết hợp xử phạt và dư luận lên án thì tốt hơn”.
Về sự việc 152 du khách Việt Nam mất tích bí ẩn tại Đài Loan vừa qua được nghi là bỏ trốn, sự việc này chưa có trong tiền lệ và để lại một hệ luỵ nặng nề làm xấu xí đi hình ảnh Việt Nam.Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Việc du khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan là một vết nhơ của du lịch Việt Nam, chúng ta cần lên án và xử lý. Vụ việc này trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tốt.
Và ở đây có sự vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp thì chúng ta đã xử lý. Hiện nay công tác quản lý về du lịch nói chung và lữ hành nói riêng đã được tăng cường về quản lý cấp phép, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra tới các công ty lữ hành du lịch, và chọn những công ty lữ hành du lịch có năng lực.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT-DL, hiện trong phân loại các sản phẩm du lịch Việt Nam có 4 loại: Du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tuy nhiên, theo ông các khái niệm này tương đối, khái niệm du lịch tâm linh được hiểu nằm trong du lịch văn hóa.
“Một số khu du lịch hiện nay có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như chùa. Khu du lịch này không gọi là khu du lịch tâm linh vì có rất nhiều loại hình trong đó, có sân golf, cơ sở lưu trú, có tham quan..., mà gọi là khu du lịch quốc gia. Trong khu du lịch quốc gia đó có sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh như đền, chùa, nhiều loại hình khác”, ông Thiện giải thích.
Dạ Thảo