Vũ ‘nhôm’ sẽ gặp lại 2 cựu Thứ trưởng Công an vào 10.6
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:51, 09/06/2019
Phiên tòa phúc thẩm được mở do có đơn kháng cáo của các bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79); Nguyễn Hữu Bách (nguyên Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an); Phan Hữu Tuấn (nguyên Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an); Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an).
Trước đó, trong vụ án này, HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, trong đó bị cáo Phan Văn Anh Vũ lĩnh án 15 năm tù; các bị cáo Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn cùng bị tuyên án 5 năm tù.
Hai bị cáo Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) lần lượt bị tuyên phạt mức án 30 và 36 tháng tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bên cạnh kháng cáo của các bị cáo, Viện KSND TP.Hà Nội cũng có kháng nghị cho rằng việc xác định thiệt hại, quyết định áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án là không đúng về bản chất, trái quy định của pháp luật. Theo quyết định kháng nghị, Viện KSND TP.Hà Nội nhận định: Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HS-ST ngày 30.1.2019 của TAND TP.Hà Nội xác định thiệt hại và quyết định áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án là không đúng bản chất và trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với việc xác định thiệt hại của Nhà nước tại 7 dự án bất động sản, kết quả điều tra xác địnhPhan Văn Anh Vũcùng đồng phạm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để được nhận 7 dự án nhà, đất công sản không phải qua đấu giá và được hưởng các ưu đãi khác nhằm hưởng lợi bất chính, như vậy việc giao các dự án này là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tính đến thời điểm khởi tố, tại các dự án trên, Vũ là người trực tiếp quản lý, sử dụng và được hưởng lợi. Trong thời gian này, Nhà nước đã mất đi quyền quản lý, khai thác sử dụng các tài sản công.
Hành vi phạm tội của Vũ “nhôm” cùng đồng phạm không phải là hành vi chiếm đoạt mà là hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước vì mục đích vụ lợi và được kéo dài từ thời điểm được giao tài sản đến thời điểm bị khởi tố.
Do đó, theo VKS, thiệt hại trong trường hợp này cần phải được tính tại thời điểm khởi tố là hơn 1.159 tỉ đồng mới phù hợp với thực tế. Việc bản án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền hơn 135 tỉ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, VKS cũng cho rằng việc Tòa án tuyên thu hồi 7 dự án nhà, đất đã kê biên để nộp vào ngân sách Nhà nước là không đúng quy định, bởi các dự án này do UBND TP.Đà Nẵng và UBND TP.HCM giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái các quy định của Luật đất đai năm 2013 nên phải áp dụng pháp luật chuyên ngành là Luật đất đai năm 2013 làm căn cứ để giải quyết. Theo đó, thẩm quyền thu hồi đất thuộc UBND cấp tỉnh.
Như vậy, việc xử lý 7 dự án nhà đất công sản trên cần phải tuyên theo hướng: Hủy các quyết định giao đất trái pháp luật của UBND TP.Đà Nẵng và UBND TP.HCM; giao cho UBND hai thành phố trên thu hồi, quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, VKS cho rằng việc Tòa án tuyên tịch thu các khoản tiền liên quan đến bị cáo Vũ để nộp vào ngân sách Nhà nước là không có cơ sở, do các khoản tiền này được xác định là tài sản của cá nhân Vũ và của các công ty có liên quan đến Vũ. Do đó, VKS nêu quan điểm không có căn cứ tịch thu mà chỉ có thể tiếp tục tạm giữ số tiền đã thu giữ và phong tỏa để đảm bảo thi hành án.
Nhã Thanh