Nhiều công ty công nghệ cấm nhân viên trao đổi với Huawei
Quốc tế - Ngày đăng : 10:35, 10/06/2019
Hoạt động thảo luận thường nằm trong chương trình của các hội nghị quốc tế, nơi giới kỹ sư công nghệ họp lại để thiết lập nên hệ tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ truyền thông (bao gồm cả mạng 5G).
Bộ Tài chính Mỹ vào giữa tháng 5 đưa Huawei và 68 chi nhánh vào “danh sách đen” xuất khẩu, vài ngày sau họ thông báo nới lỏng cấm vận trong vòng 90 ngày. Giới chức Mỹ chưa hề cấm doanh nghiệp Mỹ tiếp xúc với tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Nhưng vài đơn vị công nghệ ở trong lẫn ngoài nước Mỹ vẫn quyết định khuyến cáo nhân viên tránh một số hình thức trao đổi trực tiếp với người của Huawei nhằm giảm thiểu nguy cơ vi phạm lệnh cấm. Intel, Qualcomm cùng InterDigital xác nhận đã ban hành yêu cầu như vậy.
Phía LG Uplus cũng cho biết công ty tự nguyện hạn chế tương tác với nhân sự Huawei, trừ hoạt động gặp mặt bàn về công tác lắp đặt thiết bị mạng hoặc vấn đề bảo trì. Huawei hiện chưa lên tiếng bình luận.
Động thái hạn chế nêu trên có thể làm chậm quá trình triển khai 5G. Nhiều người tham gia một cuộc gặp về tiêu chuẩn 5G tại California tuần trước bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ hợp tác trong giới kỹ thuật (đóng vai trò rất quan trọng từ trước đến nay) sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.
Theo đại diện một công ty châu Âu: “Hạn chế gặp mặt trao đổi chỉ đẩy mọi người vào thế khó mà thôi. Chúng ta cần hợp tác cùng phát triển 5G, đây phải là thị trường toàn cầu”.
Luật sư Doug Jacobson chuyên về luật kiểm soát xuất khẩu cho biết, có không ít người hiểu sai lệnh cấm từ chính quyền Mỹ. Ông đánh giá những gì Intel, Qualcomm, InterDigital và LG Uplus yêu cầu nhân viên là hành động quá mức.
Huawei sẽ được “tha” nếu đàm phán thương mại đạt tiến bộ
Liên quan đến vấn đề Huawei, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 9.6 để ngỏ khả năng Tổng thống Donald Trump nới lỏng cấm vận nhằm vào tập đoàn Trung Quốc nếu đàm phán thương mại song phương đạt tiến bộ.
“Nếu chúng ta đạt tiến bộ thương mại, nếu Tổng thống nhận được đảm bảo nào đó từ Trung Quốc thì ông ấy sẽ sẵn sàng hành động trong vấn đề Huawei”, theo Bộ trưởng Mnuchin.
Mỹ luôn cáo buộc sản phẩm Huawei tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốcthực hiện hoạt động gián điệp. Trước đòn cấm vận công bố trong tháng 5 vừa qua, Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) thông qua năm ngoái còn có điều khoản cấm tất cả cơ quan liên bang lẫn nhà thầu sử dụng sản phẩm từ tập đoàn Trung Quốc.
Nhà Trắng đặt lộ trình 2 năm để nhà thầu, nhà cung cấp tiến hành thay đổi. Tuy nhiên quyền giám đốc Văn phòng Ngân sách - Quản lý (thuộc Nhà Trắng) Russ Vought tuần trước vừa viết thư đề nghị tăng lộ trình lên 4 năm nhằm giúp nhà thầu “có thêm thời gian đánh giá thấu đáo tác động lẫn hướng giải quyết tiềm năng”.
Cẩm Bình (theo Reuters)