Báo Mỹ cảnh báo hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để lách thuế
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:21, 11/06/2019
Theo USA Today, hải quan Việt Nam cho biết một số công ty Trung Quốc đang cố tình dán nhãn sai cho sản phẩm của mình là "made in Viet Nam" để tránh thuế quan của Mỹ và đã yêu cầu các văn phòng kiểm tra mạnh hơn giấy chứng nhận xuất xứ của sản phẩm. Đồng thời cho biết thủ đoạn của một số công ty Trung Quốc là đầu tiên, xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam, rồi sau đó thay đổi nhãn mác trên bao bì trước khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Nhật Bản hoặc châu Âu.
USA Today viết bà Hoàng Thị Thủy, một quan chức của Cục Hải quan Việt Nam (chính xác là Trưởng phòng Giám sát quản lý C/O và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan), xác nhận trên truyền thông Việt Nam rằng “hàng chục” sản phẩm bị phát hiện và các hàng hóa như dệt may, thủy sản, nông sản, thép, nhôm, và các sản phẩm gỗ chế biến dễ bị lừa đảo nhất.
Trên thực tế, bà Thủy có trả lời về hiện tượng hàng đội lốt này trên báo chí. Thời báo tài chính của Bộ Tài chính viết: “Theo bà Thủy, đến nay cơ quan hải quan đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Trường hợp điển hình như: Năm 2017, Cục Hải quan TP. Hải Phòng phát hiện Công ty TNHH XNK INTERWYSE đã nhập khẩu mặt hàng theo khai báo là “củ loa, sạc điện thoại mới, C/O Trung Quốc” có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Trong những năm gần đây, một số đoàn điều tra về gian lận xuất xứ hàng hóa như cơ quan phòng chống gian lận thương mại của châu Âu (OLAF) và một số quốc gia như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada… đã thực hiện công tác điều tra, xác minh C/O hàng hóa tại một số DN Việt Nam và các cơ quan hữu quan. Đó là các mặt hàng thép, xe tay nâng, pin năng lượng mặt trời, tôm, đinh ốc vít, lốp xe, bật lửa, đồ gỗ… Sau quá trình điều tra, một số mặt hàng của Việt Nam đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp ở mức rất cao như thép cuộn cán nguội, thép cuộn không gỉ, thép mạ kẽm, nhôm ép, đồ gỗ…
Điển hình, Hải quan Mỹ phát hiện, Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam. DN có hành vi làm giả C/O do Việt Nam cấp nhưng thực tế hàng hóa không được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa đã thực xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam)”.
Cách trả lời trên cho thấy việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam đã có từ khá lâu trước đây chứ không phải chỉ xuất hiện sau khi Mỹ - Trung thương chiến. Chỉ có điều, sau khi Mỹ đánh mạnh thuế lên hàng hóa Trung Quốc thì báo chí Mỹ bắt đầu để ý sát sao hơn việc hàng hóa Trung Quốc đội lốt.
Trên Thời báo tài chính, bà Thủy cũng thừa nhận cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Dự báo sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Trang báo của Bộ Tài chính cũng khẳng định: “Trước thực tế này, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định C/O, nhãn mác hàng hóa. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, công chức hải quan thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa; đảm bảo phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.
Trong phần chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc, sản xuất bên ngoài nhưng lấy nhãn hiệu Việt Nam đang gây bức xúc.
Theo VGP News, trả lời đại biểu về xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, có một số loai hàng hóa sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn hiệu Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minhcho biết, vừa qua, báo chí phản ánh nhiều và lực lượng chức năng cũng phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài.
Các đối tượng nhập giả mạo nhãn hiệu của Việt Nam, của nước ngoài, dán sẵn tem, nhãn mác ở nước ngoài, sau đó thông qua nhiều hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước. Cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc.
Cho đến nay, các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế nước ta.
Nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, do hàng hóa Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, tạo sự tin dùng của các thị trường bên ngoài, nên một số đối tượng lợi dụng nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu hàng kém chất lượng.
A.T