Bài 1: Chống tham nhũng và nỗi oan bị vu khống tham ô 10 quần lót nữ
Sự kiện - Ngày đăng : 14:14, 12/06/2019
Thiếu tá Nguyễn Thị Tuyết Mai, Công an tỉnh Quảng Trị, người gửi đơn kêu cứu nói với Một Thế Giới: “Chỉ vì phát hiện vụ việc động trời rút ruột xăng dầu do lập khống chứng từ của tài xế lái xe cho Giám đốc Công an tỉnh Trần Đức Việt mà tôi bị trù dập đến mức bị vu cho là tham ô 10 cái quần lót nữ mới khủng khiếp. Tôi một đời cống hiến vậy mà họ dùng đủ mưu mô để truy sát, rất đau lòng”.
Xe hỏng vẫn ăn 50.000 lít xăng
Năm 2016 khi đang là đội trưởng đội quản lý vật tư kỹ thuật phòng hậu cần công an tỉnh Quảng Trị, Thiếu tá Nguyễn Thị Tuyết Mai ký duyệt một số phiếu thanh toán hóa đơn xăng dầu đã phát giác ra hàng loạt xe bị hỏng, nằm một chỗ nhưng vẫn đưa ra thanh toán. Thiếu tá Mai cho biết: “Khi tôi phát giác, tôi đã đấu tranh với hành vi dựng khống hóa đơn chứng từ bòn rút tiền ngân sách nhà nước một cách sai trái. Tổng số 5 chiếc xe này chỉ trong năm 2015 đã tiêu hết 50.668 lít xăng A92, tính thành tiền lên đến 911 triệu đồng, chưa tính bòn rút cả tiền công tác phí”.
Chiếc xe này bị kê khống hơn 60 triệu đồng.
Điển hình là chiếc xe 74B-0735 là chiếc xe nhiều năm trước đó bị đánh giá chất lượng về 0 vì tuổi đời đã lâu nhưng Thiếu tá Trần Viết Hùng, đội trưởng đội xe và là lái xe cho Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Trần Đức Việt đã dựng khống 32 chứng từ, vu cho xe này chạy hết 90.320km, rút 19.890 lít xăng, rút ngân sách hơn 358 triệu đồng.
Chưa hết, với xe 74B-4567, Thiếu tá Hùng dựng quảng đường chạy năm 2015 lên đến 89.180km, rút 21.403 lít xăng, lấy của ngân sách hơn 385 triệu đồng. Tương tự, xe 74B-0377 bị hỏng, nằm một chỗ, bị rút hơn 58 triệu đồng tiền xăng, xe 74B-0296, hỏng nằm phơi nắng bị rút 67 triệu đồng tiền xăng, chiếc thấp nhất, bị rút hơn 41 triệu tiền xăng là 74B-1236 cũng hỏng nằm bãi. Các xe này đều do ông Hùng dựng khống hóa đơn. Riêng phi vụ này, ông Hùng đã dựng khống tổng tộng hơn 911 triệu đồng cho xe hỏng nằm 1 chỗ lấy tiền xăng, chưa tính tiền công tác phí kê khống trong năm 2015 cho các xe này.
Hàng loạt xe nằm bãi vẫn kê khống tiền xăng dầu, chưa kể công tác phí.
Nghiêm trọng hơn, trong 3 năm 2013, 2014, 2015 chỉ ông Hùng lái7 chiếc xe cùng một lúc và quyết toán trùng thời gian với 6 chiếc xe; 74B-0735; 74B–0007; 74B–0269; 74B-5679; 74B-4567; 74B-1236; 74B-0381.
Theo Thiếu tá Mai, khi bà báo cáo bằng văn bản lên ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị thì ngày Ngày 17.6.2016, Đại tá Nguyễn Đức Cảm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị ký công văn số 1540/TB-CAT- PX13 thông báo về việc xử lý các sai phạm, sử dụng phương tiện vật tư đối với phòng hậu cần PH 41 công an tỉnh. Ông Trần Viết Hùng bị nêu: “Đội trưởng đội xe làm việc một cách tùy tiện thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, đã tự ý và trực tiếp đề xuất đi công tác để quyết toán nhiên liệu vào các xe nói trên, sử dụng các xe đang sửa chữa đưa ra vận hành và quyết toán nhiên liệu vào xe khác, sử dụng đề xuất đã đi của những xe cấp định mức nhiên liệu thấp đưa vào các xe có định mức cao để quyết toán lấy tiền chênh lệch”. Thông báo này còn nêu tên các cá nhân Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Đại Hào, Phạm Lộc Anh, Trần Thanh Sơn, Mai Văn Đức, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Quốc Dũng và thiếu tá Mai có trách nhiệm liên quan. “Văn bản nói không kỷ luật mà chỉ phê bình là không đủ răn đe việc làm sai trái này”, Thiếu tá Mai đánh giá.
Vẫn khai khống và sửa chữa lớn
Thiếu tá Trần Viết Hùng ngoài khai khống hóa đơn chứng từ xe hỏng nằm bãi, ông không rút kinh nghiệm mà sang năm 2016, 2017, 2018 vẫn tiếp tục kê khống hóa đơn chứng từ để tiếp tục bòn rút ngân sách. Đơn cử, tại tờ hóa đơn ngày 2.3.2018, ông Trần Viết Hùng dựng như sau: “Ngày 14.2 thăm chính sách địa bàn, ngày 20-2, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, ngày 22-2 địa bàn Hà Nội, Nam Định, ngày 28.2 Phú Lộc (Huế), Vĩnh Trung (Vĩnh Linh)”. Phép kê này của tài xê Hùng hoàn toàn khác xa với lịch công tác chính thức của Ban giám đốc Công an tỉnh ban hành mà chúng tôi có được, 14-2 là 29 Tết âm lịch, nghỉ Tết. Ngày 20-2 vào mùng 5 Tết vẫn còn lịch nghỉ, không có lịch đi Quảng Bình, Huế như hóa đơn ghi. Ngày 22-2, ban giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị làm việc tại cơ quan, ông Hùng tài xế của Giám đốc Công an tỉnh lại ghi đi Hà Nội, Nam Định. Ngày 28-2, ông Việt làm việc ở cơ quan, ông Hùng bịa ra đi Huế, Vĩnh Linh. Với tờ hóa đơn dựng này, ông Hùng rút 15.200.000 đồng.
So sánh hóa đơn dựng vào các ngày nghỉ tết âm lịch
Trên thực tế, hàng trăm tờ hóa đơn mà chúng tôi có được trong 3 năm 2016, 2017, 2018 ông Hùng đều dựng lên rất nhiều chuyến công tác không có thật để bòn rút công quỹ, rất ít trong số đó trùng khớp với lịch công tác của ban lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị. Các tờ hóa đơn này đều được ghi: “Ban Giám đốc, đồng chí Việt duyệt”.
Ngoài ra, năm 2015 qua báo cáo chi tiết sửa chữa phương tiện sai quy trình. Theo nguyên tắc, các phụ tùng thay thế phải đưa về nhập kho thì việc thay phụ tùng này do Thiếu tá Trần Viết Hùng quản lý không đưa phụ tùng cũ về nhập kho. Các xe đi sửa chữa đều còn rất mới nhưng quá trình thanh toán lại khá lớn. Đặc biệt, nhiều xe nằm bãi, không đi lại vẫn đưa vào sửa chữa như xe 74B-4567 từng bị ông Hùng rút ruột xăng dầu cũng đưa vào đại tu hơn 250 triệu đồng…Theo Thiếu tá Mai, đây là việc làm vô nguyên tắc, gây hại cho ngân sách nhà nước.
Bị nêu tham nhũng 10 quần lót nữ
Theo Thiếu tá Mai, để các xe hỏng hóc nằm bãi như đồng nát bị ông Hùng dựng khống chứng từ ăn xăng lên gần 1 tỷ đồng Đại tá Phan Thị Thu Hiền, Chánh thanh tra công an tỉnh Quảng Trị ký xác nhận 127 chữ ký sử dụng phương tiện, Thượng tá Nguyễn Văn Dương, phó trưởng phòng, phụ trách đội xe, duyệt. Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, bà Hiền ký với tư cách người sử dụng phương tiện, ông Dương ký với tư cách chỉ huy phụ trách.
Lá đơn dài 21 trang đánh máy Thiếu tá Mai gửi Báo điện tử Một Thế Giới.
Thiếu tá Mai cho biết: “Thông báo 1540 quá nhẹ cho lập hồ sơ chứng từ giả để bòn rút ngân sách. Và từ đó tôi bị gây áp lực. Một trong những việc tạo dư luận xấu là yêu cầu tôi giải trình tại văn bản số 5390/CAT-ĐTT ngày 3.12.2018 của Chánh thanh tra công an tỉnh Quảng Trị, Đại tá Phan Thị Hiền ở mục 3 nêu rằng; năm 2014 và 2016 đồng chí xác nhận không mua quần áo lót nữ, quần áo thường cho phạm nhân tại cửa hàng bà Dương Thị Thúy mà mua tại các cửa hàng ở chợ Đông Hà. Tuy nhiên, quá trình thanh tra xác định: Thủ kho năm 2014 khẳng định không nhận 10 quần áo lót nữ; PC11 khẳng định không nhận 10 quần áo lót nữ. Tôi giải thích rằng nội dung này không đưa vào giải trình vì sổ sách tài vụ đã có đầy đủ, hơn nữa chỉ 1 cá nhân nói không nhận 10 quần áo lót nữ mà khẳng định đó là quan điểm của PC11 là nguy hiểm. Sau đó thì thanh tra đã lục lại hồ sơ tài vụ và xác nhận rõ ràng có nhận đầy đủ quần áo lót này nhưng kết luận thanh tra lại không đưa vào để minh oan cho tôi. Từ đó mà dư luận hàm oan cho tôi tham nhũng 10 cái quần lót nữ của phạm nhân”.
Bài và ảnh: Anh Sơn
Bài 2: Có thật tham nhũng 899 triệu đồng?