Một năm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1: Ngoại giao bế tắc
Quốc tế - Ngày đăng : 14:36, 12/06/2019
Tại Singapore 1 năm về trước, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng hợp tác hướng đến giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên cũng như làm dịu nỗi lo chiến tranh giữa hai nước.
Nhưng từ đó đến nay có rất ít tiến bộ trong giải trừ hạt nhân. Thời gian gần đây căng thẳng quay trở lại do Triều Tiên phóng vũ khí và đe dọa “hậu quả chẳng mong muốn” nếu Mỹ không linh hoạt hơn trong đàm phán.
Vậy mà vào ngày 11.6, Tổng thống Trump cho biết ông vừa nhận thư từ nhà lãnh đạo Kim.
“Đó là một lá thư rất hay và ấm áp. Tôi nghĩ sẽ có điều tích cực xảy ra”, Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng.
Tâm lý lạc quan mà hai ông tạo ra tại Singapore đã tan biến trong lần gặp gỡ thứ hai. Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc không thỏa thuận. Kể từ đó chính quyền Bình Nhưỡng nhiều lần phàn nào về trừng phạt do Mỹ áp đặt, còn nhà lãnh đạo Kim chỉ chấp nhận chờ đến cuối năm nay để phía Washington “chọn con đường mới”.
Cả hai đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng mỗi bên đều đòi hỏi bên còn lại thay đổi chính sách. Mỹ muốn Triều Tiên đạt tiến bộ trong từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể kiểm chứng trước rồi mới nới lỏng trừng phạt, Triều Tiên lại cáo buộc Mỹ chẳng “đáp lễ” khi họ đã thực hiện không ít động thái phi hạt nhân hóa.
Tuần trước, truyền thông Triều Tiên cảnh báo những gì ký kết tại Singapore có nguy cơ trở thành vô nghĩa nếu giới chức Washington tiếp tục yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách đơn phương.
Theo Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ quán Triều Tiên vốn dĩ định tổ chức họat động kỷ niệm 1 năm hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên sau đó họ lại hủy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đầu tuần này tuyên bố chính quyền Washington vẫn đang cố gắng thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Luôn phải có thăng trầm. Chúng tôi tin nhà lãnh đạo Kim cùng chính quyền của ông nhìn ra con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho người dân. Một năm sau đây vẫn là những gì chúng tôi khao khát và hy vọng. Tất nhiên trừng phạt kinh tế vẫn còn”, theo người phát ngôn.
Cẩm Bình (theo Reuters)