Thâm Quyến lao đao vì 'đầu rồng' Hoa Vi bị Mỹ giáng đòn
Quốc tế - Ngày đăng : 17:23, 12/06/2019
Mỹ nhắm vào “đầu rồng” Hoa Vi
Mỹ đã ngày càng tăng cao mức thuế đánh lên hàng hóa Trung Quốc và cấm Huawei nhập thiết bị Mỹ, viện lý do quan ngại an ninh quốc gia để kêu gọi các đồng minh không sử dụng mạng 5G của Huawei.
Một nhà nghiên cứu chính sách của chính quyền Thâm Quyến đề nghị giấu tên, nói: “Chìa khóa là Huawei, công ty quan trọng nhất, thủ lĩnh và là trung tâm của ngành công nghiệp. Đó là đầu rồng của chúng tôi. Chính quyền đãlàm hết sức có thể để giúp các công ty kỹ thuật trong tình hình hiện nay. Trong khi chúng tôi chú ý các thành phố khác, chắc chắn chúng tôi sẽ dồn nỗ lực giúp Huawei”.
Gọi Huawei là “đầu rồng”, vì Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở chính của các công ty xuất khẩu và công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, gồm mạng xã hội Tencent và công ty điện thoại ZTE, công ty sản xuất máy bay tự hành DJI...
Khi bất đồng Mỹ - Trung leo thang, các công ty khác cũng lo sốt vó, ví dụ DJI vốn đang cung cấp gần 80% máy bay không người lái sử dụng ở Trung Quốc và Mỹ. Gần đây, Bộ An ninh nội địa Mỹ cảnh báo các công ty Mỹ về nguy cơ an ninh do máy bay “made in China” gây ra, dù Bộ không nêu tên DJI. Công ty này đã tuyên bố sẽ phát triển công nghệ riêng để trở nên tự chủ nếu bị loại khỏi dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Từ tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, nhiều người đang lo ngại tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên tương lai Thâm Quyến. Một nhân viên nói với SCMP: “Cuộc chiến này sẽ có hậu quả lâu dài, gồm trên doanh số và toàn bộ thị trường”.
Việc Mỹ tăng thuế khiến hoạt động thương mại của Thâm Quyến với Mỹ bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi. Theo dữ liệu của hải quan thành phố, trong quý1/2019, 17% khối lượng thương mại của thành phố là với Mỹ, trị giá tổng cộng 57,4 tỉ NDT, nhưng vẫn là sự suy giảm 5,9% so với quýtrước.
Nhưng ôngQuách Vạn Đạt, phó tổng giám đốc Viện Phát triển Trung Quốc (ở Thâm Quyến) nói trong khi rõ ràng thương chiến có tác động, tổng sản lượng xuất khẩu của thành phố đã tăng 3,3% trong tháng 5. Ông nói các công ty có thể giảm biên chế, hoặc các công ty nhỏ hơn thậm chí phải đối mặt với việc phải đóng cửa, nhưng nhìn tổng thể thì tác động này có thể kiểm soát được: “Nó tác động đến kinh tế Thâm Quyến, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ suy giảm mạnh”.
Minh họa nỗ lực tấn công "đầu rồng" của nhà lãnh đạo Mỹ - Ảnh : SCMP
Nỗ lực bảo vệ “chiến địa”
Bắc Kinh đã có nhiều kế hoạch lớn cho Thâm Quyến, thiết kế đây là trung tâm của mảng sáng tạo trong kế hoạch Khu Vịnh Lớn, một dự án nhằm tạo một thế lực đối trọng với các khu vực Vịnh San Francisco và Vịnh Tokyo, bằng cách kết nối các thành phố thuộc Quảng Đông với hai đặc khu hành chính Hồng Kông và Macau (đều thuộc Trung Quốc).
Từ 40 năm qua, Thâm Quyến - có nghĩa “con lạch sâu” -chuyển mình từ một làng cá yên tĩnh giáp Hồng Kông thành một thành phố hơn 12 triệu dân, và mảng kỹ thuật cao chiếm 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP). Trong một báo cáo hiếm hoi của Cục Thống kê Thâm Quyến năm 2016, Huawei - chủ lực của mạng 5G của Trung Quốc - đóng góp nhiều nhất cho thành phố với 7% GDP, tức 143 tỉ Nhân dân tệ (20,6 tỉ USD). Phần góp này tương đương tổng số tiền cộng lại của 20 đơn vị đóng góp nhiều nhất cho GDP của Thâm Quyến, bao gồm ZTE, Tencent, hãng sản xuất vi mạch Foxconn và hãng sản xuất xe BYD.
Theo SCMP, vì tính nhạy cảm nên từ sau năm 2016 đã không còn số liệu nữa, nhưng nhiều người nhận định tầm quan trọng của Huawei đối với nền kinh tế Thâm Quyến đã tăng lên, và nay đóng góp khoảng 10% GDP. Huawei và các công ty con sử dụng nhiều lao động nhất, với khoảng 80.000 người ở trụ sở chính tại Thâm Quyến, và khoảng 3.000 người khác tại một cơ sở nghiên cứu - phát triển mới ở thành phố Đông Quản lân cận.
Đối mặt với đòn tấn công của Mỹ, các cơquan chính quyền, các tổ chức nghiên cứu chính thức và các công ty kỹ thuật cũng lo cho một tương lai bấp bênh. Tầm cỡ lớn và tầm quan trọng của Huawei vẫn là quan tâm chính của chính quyền Thâm Quyến.
Nguồn tin của SCMP có quen biết Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Đông nói chính quyền tỉnh đã lập một tổ đặc nhiệm, làm việc với các cơ quan liên quan ở Quảng Châu, Thâm Quyến và Đông Quản. Tổ này cũng đã làm việc với các công ty công nghệ đã và có thể bị tác động bởi cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ - Trung, để bàn về khả năng bị tác động. Nguồn tin nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều cần làm. Quảng bá ngành công nghệ là một tư tưởng dài hơi”.
Trụ sở chính của Huawei ở Thâm Quyến - Ảnh: Reuters
Chính quyền Thâm Quyến cũng tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng kỹ thuật. Theo các số liệu chính thức, thành phố chi khoảng 100 tỉ NDT (4,15% GDP) cho nghiên cứu - phát triển hồi năm 2018, tăng nhẹ so với 4,13% GDP năm 2017. Chính quyền dự tính tăng khoản chi đầu tư này lên 4,25% kể từ năm 2020, và đang xem xét khả năng phát triển các ngành chiến lược như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và các vật liệu mới. Năm 2018, các lĩnh vực này đóng góp 35% vào tổng GDP của Thâm Quyến, giảm so với mức 40% của hai năm trước đó. Nhưng khi kế hoạch 5 năm hiện nay sẽ kết thúc năm 2020, chính quyền đặt mục tiêu các lĩnh vực này sẽ đóng góp 42%.
Thâm Quyến cũng tiếp tục miễn thuế, để khuyến khích sáng tạo, thu hút tài năng công nghệ cấp cao. Chính quyền đã hứa miễn thuế cho các tài năng cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, với một số cá nhân sẽ không phải nộp thuế thu nhập quá 15%. Một quan chức nói: “Ví dụ bạn kiếm 1 triệu NDT/năm, thì theo quyđịnh mới, bạn sẽ cần phải nộp 150.000 NDT cho thuế thu nhập, tức tiết kiệm được khoảng 300.000 NDT như mức thuế hiện nay”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)