Bài 2: Đưa em gái lấy… ‘anh rể’ và những rắc rối phát sinh

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:12, 14/06/2019

Không thấy bên nhà gái trả lời, nghĩ bụng chắc là đồng ý nên không ai bảo ai tính chuẩn bị từ giã ra về. Lúc này, ông T. như chợt nhớ đến con em kế năm nay cũng vừa 18 tuổi, nếu không có vàng trả thì đem “thế” con em vậy.

Bài 1: Cô dâu bỏ trốn ngay ngày cưới và nỗi ngỡ ngàng của chàng rể

Đưa em vào… thay chị

Gả em thay chị, để khỏi trả vàng? Nhưng biết nói cách nào để cho nhà trai chấp nhận và hiểu hoàn cảnh đau xót của mình đây? Liền đó, ông T. “kéo” ông cán bộ Mặt trận ấp Bờ Xáng (cùng mời dự) ra phía sau nhà bàn tính, sắp xếp nói giùm sẽ “bù” con em để khỏi trả 1 cây vàng 24k và mấy triệu đồng. Bàn tính một lúc, ông cán bộ Mặt trận này không nói trong bàn trà, mà kéo ông cán bộ ấp bên kia ra ngoài bàn chuyện đó. Sau khi nghe chuyện, lúc đó ông cán bộ ấp “nhà trai” không khỏi buồn cười, nhưng suy nghĩ kỹ thì cũng có cái lý, nên gật đầu hứa giúp.

Sau hôm 2 sui gia “nói chuyện” với nhau, phía nhà trai lúc đầu cũng “ú, ớ” khi nghe chuyện như vậy. Nhưng nghĩ làm căng quá thì tội nghiệp cho ông sui “nghèo” nhà gái. Sau khi họp gia đình, tất cả các thành viên đều đồng ý, trừ chàng rể. Sau cú “sốc” không được vợ, chàng ta về nhà nằm lì trong nhà không đi ra khỏi ngoài sợ bà con đàm tiếu. Thế nhưng, khi được người nhà khuyên cùng với hoàn cảnh thực tế của gia đình bên nhà vợ khó khăn, suy đi, nghĩ lại mấy ngày thì chàng trai mới nhận lời.

Nhưng tiếp tục gặp rắc rối bên nhà gái! Thấy ông T. đêm nào cũng ngồi buồn rầu đến tận khuya, con gái thứ đến hỏi sự tình của cha. Ông T. nhìn con mà nước mắt ngắn dài, bởi vì trong lòng ông, con bé vẫn còn nhỏ quá. Với lại chuyện ông đã nói với bên gia đình bên chồng chị Hai nó rồi, nhưng mấy hôm này không dám thố lộ cùng con với ý định trái với lương tâm mình như vậy. Thế nhưng, ông T. không còn cách nào khác, đành nói thật với con. Biết tin, con gái ông như đứng trời trồng một chỗ.

Trong ánh đèn tù mù giữa đêm khuya, 2 cha con ngồi khóc sụt sùi. Dù mới bước sang tuổi 18, thế nhưng đứa con gái kế của ông T. rất có hiếu thảo, giỏi giang không kém chị Hai. Dường như 2 cha con ngồi khóc gần cạn khô nước mắt. Nhưng cuối cùng, đứa con gái nắm tay cha: “Thôi, đừng khóc nữa cha, hạnh phúc của con cũng như hạnh phúc của cha mẹ, con đồng ý lấy… anh Hai làm chồng thay chị Hai”. Ông T. lặng đi trong đêm vắng không nói được thành câu. Thế nhưng, trong thâm tâm ông chắc có lẽ con gái ông đọc được.

Lại rắc rối về pháp lý

Lại rắc rối. Sau khi “thông điệp” được 2 bên thông báo cho nhau là cả 2 đồng ý. Thế nhưng, về mặt pháp lý, rồi tổ chức đám tiệc ra sao… Lúc này, 2 bên tiếp tục có cuộc “thương lượng” hòng sắp xếp sao cho ổn thỏa. Phía bên nhà trai đưa ra “thông điệp” chắc nịch rằng: Tổ chức đám cưới một lần nữa là không được. Chẳng lẽ mới trong vòng 1 tháng mà tổ chức cưới cho con trai đến… 2 con vợ? Đó là chưa kể lời bàn ra, tán vào của bà con hàng xóm.

Phía nhà gái không còn con đường nào khác hơn là làm theo ý họ, vì mình “đền” cho người ta thì phải chiều ý. Nhưng có điều, đời con gái ai cũng một lần xuất giá theo chồng, chẳng lẽ để con mình âm thầm “ôm gối” theo trai lẳng lặng “không kèn, không trống hay sao”? Rồi biết ăn nói sao với họ hàng, bà con lối xóm; còn đứa con gái của mình nữa… Nghĩ đến đây ông T. chỉ còn tự biết trách mình nuôi con mà không biết dạy con. Rồi ông lại khóc.

Sau bao ngày tìm hướng đi cho có tình, có lý, cuối cùng cũng có cách để giải quyết cả đôi bên “cùng có lợi”. Ông Lê Văn Mảnh, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Bờ Xáng, nhớ lại: “Sau khi nghe câu chuyện như vậy, chúng tôi có cử người xuống xác minh thực hư thế nào. Khi nghe báo cáo lại, chúng tôi biết ngay đây là chuyện sẽ gặp rắc rối, nhưng cũng phải chờ phản ánh từ nội bộ 2 bên thì mới tìm cách hòa giải ổn thỏa”.

Theo ông Mảnh, đúng như những gì dự tính trước. Mấy ngày sau, thấy 2 ông sui đến trụ sở làm việc của ấp, ông đã biết chuyện gì xảy ra. Họ kéo nhau đến không phải chuyện kiện tụng gì mà nhờ lãnh đạo ấp giúp đỡ làm sao để họ hợp thức hóa đám cưới này. Tại đây, sau khi ghi lại lời trình bày của 2 bên và nguyện vọng của họ như thế, ấp ghi biên bản gởi về trên để có ý kiến tiếp theo. Gặp chuyện hy hữu như vậy, nên lập tức UBND Vĩnh Thuận cũng cử người xuống xác minh, rồi mời đại diện cả 2 bên sui gia lên để bàn “kế hoạch” sao không vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, lại có hướng vun đắp hạnh phúc cho đôi lứa.

Đến đây thì mọi chuyện mới vỡ lẽ ra. Ông cán bộ Tư pháp xã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đề nghị UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính đối với gia đình ông T. vì đám cưới chưa đăng ký kết hôn”. Sao một lúc bất ngờ và nghe lời giải thích của vị cán bộ Tư pháp xã tất cả mọi người đều nhẹ nhõm.

Cũng cần nói thêm, hiện nay một số nơi ở vùng nông thôn sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn tình trạng cưới nhau không đăng ký kết hôn. Họ chỉ cần được 2 bên gia đình đồng ý tác hợp thì tiến hành tổ chức lễ cưới. Đến khi họ có con cần làm giấy khai sinh, lúc đó được cán bộ xã giải thích thì họ mới chịu làm giấy đăng ký kết hôn muộn và sẵn sàng chịu hình thức nộp phạt.

Trở lại vấn đề làm sao “giải quyết” chuyện hy hữu này. Ông cán bộ Tư pháp xã Vĩnh Thuận giải thích: “Thấy tình cảnh éo le như vậy, hơn nữa trước đến nay chưa hề gặp 1 trường hợp “tình chị, duyên em”, nên chúng tôi xin ý kiến UBND xã chỉ đạo, nhưng các anh bảo xem xét thật kỹ càng. Xem có đúng như những gì 2 bên trình bày, không thì sẽ có chuyện ép hôn cô em thêm lớn chuyện.

Đến tình thế này, chúng tôi buộc lòng phải mời cô em này ra xã, một mặt để hỏi riêng về chuyện tình cảm, mặt khác để đối chứng ba mặt một lời. Sau khi được biết đây đúng là theo sự thuận tình của đứa con gái ông T., chúng tôi hướng dẫn 2 em đem giấy CMND lên xã để đăng ký kết hôn thì mới cho tổ chức đám cưới”. Đến đây, 2 bên gia đình thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi đã đăng ký kết hôn, 2 bên sui gia về định ngày làm đám, nhưng nhà trai cho biết là không làm “hoành tráng” nữa mà chỉ làm cái lễ thành hôn, có đủ mặt bà con 2 bên chứng kiến cho đôi tân hôn. Chuyện đến đây được như thế là tốt rồi nên nhà gái không còn cách nào hơn. Tuy nhiên, trong ngày thành hôn ra mắt đôi tân hôn mới, nhà trai cũng tặng thêm cho “cô dâu em” vài chỉ vàng gọi là quà cưới.

Địa phương nơi xảy ra chuyện hy hữu này- Ảnh: Thanh Ngọc

Lễ thành hôn tuy không có đông người tham dự và không có “dàn đàn ca tài tử xịn”, nhưng trông họ thật hạnh phúc, 2 bên sui gia nghĩ sẽ chẳng thể nào hàn gắn thì nay lại càng khắng khít hơn. Còn riêng chàng rể, trong ngày thành hôn cứ ra vẻ hài lòng và luôn nở trên môi nụ cười hiền, chất phác “rặt” nông dân.

Cô dâu mới cũng không còn thẹn thùng khi trước đó chưa đầy 1 tháng là anh rể, nay tay trong tay và đường hoàng là “nàng dâu” mới, chứ không phải người chị của mình “chưa đàng hoàng” (vì chưa đăng ký kết hôn). Thế là trong “ngày cưới mới”, 2 sui gia lại được nâng ly chúc mừng cho đôi uyên ương trẻ và mọi người cùng chúc nhau cho họ được trăm năm hạnh phúc.

Sự trở về của “cô dâu hụt”

Sau chuyện đình đám xảy ra, ít ai còn quan tâm đến “cô dâu chị” đi đâu, làm gì mà họ dõi theo đôi uyên ương mới sống thế nào, bao giờ có con… Thế nhưng, sao khi biết tin em gái mình được “thế” làm dâu, cô chị tỏ ra hối hận, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Rồi một ngày nọ, sau khi “bặt vô âm tính” hơn 3 tháng trời, cô chị từ TP.HCM trở về.

Trước khi bước vào nhà, biết là có lỗi với cha mẹ, em gái, cô chị quỳ trước mặt ba mẹ xin tha thứ. Thế nhưng, ông T. nhất quyết từ chối lời van xin của đứa con gái. Ông giận tím người, lớn giọng đuổi đứa con gái ra khỏi nhà. Ông nói: “Nhà mình nghèo tiền, nghèo bạc chứ đâu có nghèo nhân nghĩa, thủy chung. Ba mẹ hứa gả cho người ta, chính con cũng ưng thuận, chứ đâu ai ép buộc con lấy chồng mà con lại làm cái chuyện trái với lương tâm, trái với đạo lý như vậy.

Cũng may mà có con em nó biết thương ba mẹ, biết hy sinh vì con, nên chuyện kiện tụng không xảy ra. Mà nếu họ có đi kiện thì hoàn toàn thua cuộc. Nếu chuyện đó xảy ra thì giờ đây căn nhà, cục đất này còn không hay đã bán hết trả tiền, vàng cho người ta đi cưới dâu khác”.

Nghe câu nói nào của cha mẹ cũng đúng cả, tất cả lỗi do mình gây nên, vì vậy đứa con gái cứ cúi đầu mong được tha thứ. Ở đời “hùm dữ mà không ăn thịt con” chứ đời nào cha mẹ phải giết con, hơn nữa mọi chuyện sắp xếp đâu cũng đã vào đó…

Thấm thoát mà nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày chàng rể đi rước dâu “hụt” làm xôn xao cả ấp Bờ Xáng, sau đó là cả huyện Vĩnh Thuận, nhưng không biết nguyên do gì, nên có một số bạn bè tò mò muốn biết. Lúc đầu định giấu kín, nhưng trước những ánh mắt tò mò, hiếu kỷ của đám bạn, cộng với sự hoài nghi về cuộc “ra đi” trong ngày vu quy xuất giá theo chồng, cuối cùng thì cô ta cũng cho biết lý do.

Do ở vùng quê, trước nay chưa hề quen và đi chơi với bạn trai nào, rồi theo thời gian lớn lên, có chồng, nghĩ đến chuyện có con. Mà đúng thật, thấy con nhỏ A, B… bạn mình mới ngày nào nhảy lò cò, tắm sông, ngực còn để ngỏ, mới lớn lên lại có chồng, bây giờ ôm con ru ngủ. Chồng thì cũng trẻ, còn mê đi bắn cu li với mấy đứa nhỏ hàng xóm, tối về ngủ khì không biết thay tã cho con, chứ nói chi tới chuyện chăm sóc như thế nào.

Ý nghĩ tiêu cực ấy cứ hằn trong tâm trí người con gái trẻ này, càng lúc đến gần ngày cưới thì hình ảnh ấy cứ hiện về làm cho cô không sao ngủ được. Đám cưới sắp gần kề, cha mẹ 2 bên đã phát thiệp mời càng làm cho cô gái trẻ thêm lúng túng không có lối thoát. Nếu như hồi hôn vào lúc này thì cũng không được, còn để đám cưới diễn ra thì về làm vợ, làm dâu, rồi bắt đầu làm mẹ…

Nghĩ đến đây, cô chỉ còn một cách duy nhất là… bỏ trốn. Không còn cách nào lựa chọn, trước ngày cưới, cô cũng kịp gởi một số nữ trang lại cho người bạn cất giùm, chỉ lấy đi 2 chỉ vàng 24k để làm lộ phí. Cũng vì vậy, khi trở về sum họp với gia đình, chị Hai cũng kịp đem số nữ trang còn lại 8 chỉ vàng 24k trao lại cô em, xem như đó là món quà cưới đích thực của chồng tặng cho ngày vu quy xuất giá.

Giờ đây, khi đã là 1 gia đình, và cũng đã “giải oan” cho người vợ - không, phải là chị vợ mới đúng chứ, thì giữa em rể và chị vợ vẫn hòa thuận. Hiện nay, gia đình nhỏ của em rể cũng sống với nhau thật sum vầy, hạnh phúc.

Thanh Ngọc

Hồ Hùng