Hoàng Công Lương quá tự tin khi ra y lệnh, không phải cẩu thả

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:44, 14/06/2019

Bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên phúc thẩm, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương vào ngày xảy ra sự cố y khoa là hành vi được thực hiện trong trạng thái tâm lý quá tự tin, đây không phải hành vi có tính cẩu thả.
          

Ngày 14.6, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình đã dành phần lớn thời gian cho các luật sư tranh luận, đưa ra những căn cứ bào chữa cho các bị cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng (luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), trong vụ án này, bác sĩ Lương hoàn toàn làm đúng “quy trình hành chính” về bàn giao trang thiết bị chạy thận sau sửa. Lương tiếp nhận báo cáo của điều dưỡng bằng miệng, chấp nhận việc bàn giao sau sửa chữa bằng miệng mà chưa cần có biên bản bàn giao nhưng vẫn tin tưởng chất lượng của hệ thống RO đã an toàn để ra y lệnh.

Theo luật sư, đây hoàn toàn là nhận thức mang tính tin tưởng vào các đồng nghiệp, vào công việc của từng phòng, ban, tin tưởng vào quy trình hành chính bất thành văn lặp đi lặp lại và tồn tại bao nhiêu năm nay tại bệnh viện.

LS Hoàng Văn Hướng bên ngoài phòng xử - Ảnh: T.A

Trong phần bào chữa, luật sư Hướng cũng đưa ra phân tích về những nguyên nhân khách quan dẫn đến nhận thức quá tự tin của bị cáo Lương khi ra y lệnh. Cụ thể, nguyên nhân khách quan mang tính nội bộ tại bệnh viện – đó là các nguyên nhân thuộc về quá trình đào tạo lọc máu tại bệnh viện Bạch Mai cho các bác sĩ của BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, đó còn là về quy trình bất thành văn của BVĐK tỉnh Hòa Bình, về trang thiết bị hỗ trợ các bác sĩ kiểm tra chất lượng nước RO và về tính cấp thiết của việc ra y lệnh diễn ra vào ngày 29.5.2017. Nguyên nhân tiếp theo, theo luật sư Hướng, niềm tin của Lương về chất lượng của hệ thống RO sau mỗi lần sửa chữa được củng cố bởi thói quen bàn giao bằng miệng giữa Phòng vật tư với Đơn nguyên thận nhân tạo.

Trong phần bào chữa, vị luật sư cũng cho rằng trong các nội dung thanh, kiểm tra và kết luận thanh, kiểm tra không chỉ ra bất kỳ thiếu sót gì về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị dùng cho chạy thận; cũng không đánh giá gì về độ an toàn của thủ tục bàn giao sau sửa chữa, bảo dưỡng giữa các phòng ban với đơn nguyên thận nhân tạo.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm - Ảnh chụp màn hình

Nguyên nhân vĩ mô xuất phát từ trách nhiệm của Bộ Y tế

Theo phân tích của luật sư Hướng, toàn bộ những quy trình về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo nói trên đều là quy trình bất thành văn, trong đó quy trình trực tiếp khiến bác sĩ Lương rơi vào vòng lao lý lại là quy trình mang tính thủ tục hành chính về việc bàn giao hệ thống nước RO sau sửa chữa.

Luật sư Hướng đặt câu hỏi “Vì sao quy trình bất thành văn thiếu an toàn nói trên lại tồn tại suốt một thời gian dài và diễn ra ở nhiều bệnh viện khác chứ không riêng gì BVĐK tỉnh Hòa Bình?” - Đây chính là lỗ hổng vĩ mô của Bộ Y tế.

Trước vấn đề này, trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy trình hành chính về thủ tục bàn giao giữa các phòng ban về trang thiết bị y tế dùng cho chạy thận sau sửa chữa, luật sư đề nghị các bệnh viện hãy tự ban hành quy trình riêng của mình và trình Bộ Y tế phê duyệt để đảm bảo cắt khâu, cắt nhiệm vụ của từng khâu… Đây cũng là những nội dung luật sư Hướng cho rằng cần được khuyến cáo, khuyến nghị trong bản án phúc thẩm. Luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận để đưa vào trong án văn và nhận định của bản án.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (áo trắng), nguyên GĐ Công ty Thiên Sơn - Ảnh: T.A

Đỗ Anh Tuấn đồng phạm với Trương Quý Dương?

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên GĐ Công ty Thiên Sơn), luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định không có bất cứ một cơ sở khoa học pháp lý hay thực tiễn khách quan nào có thể đáp ứng suy luận “Công ty Thiên Sơn cùng thực hiện nhiệm vụ công với BVĐK tỉnh Hòa Bình” để quy trách nhiệm cho Đỗ Anh Tuấn.

Nữ luật sư phân tích: “Mục đích của bệnh viện là thực hiện công vụ, phục vụ nhân dân và xã hội. Công ty Thiên Sơn là pháp nhân thương mại với mục đích kinh doanh và lợi nhuận".

Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo Tuấn đồng phạm và phải cùng chịu trách nhiệm với bị cáo Dương trong việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự cố ngày 29.5.2017. Theo luật sư Đinh Hương, nhận định này là đi ngược và phủ định toàn bộ lý luận khoa học pháp luật hình sự của Việt Nam từ trước tới nay.

Căn cứ vào nội dung trong hồ sơ vụ án đối chiếu với các tình tiết khách quan được đánh giá công khai tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm mấy ngày qua, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nữ luật sư khẳng định thân chủ của mình không phải là chủ thể của tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Từ những phân tích trên, nữ luật sư cho rằng hành vi khách quan của Đỗ Anh Tuấn không xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức nhà nước và không có mối liên hệ nhân quả đối với hậu quả của vụ án. Bản án sơ thẩm của TAND TP.Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự…

Nhã Thanh

VKS không chấp nhận việc bác sĩ Hoàng Công Lương xin hưởng án treo

Luật sư đưa ra tình tiết mới, Hoàng Công Lương xin giảm hình phạt

Vụ chạy thận gây chết người: Đại diện Bộ Y tế nêu những căn cứ cần làm rõ

   

Thu Anh