GS Từ Sỹ Sùa: Không nên tăng phí BOT vào thời điểm này
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:32, 17/06/2019
Mới đây, sau khi rà soát đánh giá hoạt động tại các dự án BOT, Bộ GTVT cho rằng tình trạng các trạm BOT sụt giảm lưu lượng xe một phần xuất phát từ việc các địa phương đầu tư các dự án giao thông chạy song hành với tuyến đường BOT, đường ngang chạy qua khu vực trạm BOT dẫn tới thất thoát lưu lượng xe, hoặc tình trạng các phương tiện vận tải cố ý tránh trạm thu phí...
Bộ GTVTđề xuất lấy ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương 2 phương án. Phương án 1 là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021, để báo cáo Chính phủ. Bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm “điểm tới hạn" nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính.
Phương án 2, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, Bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.
Trước những thông tin tăng phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định những thông tin về việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí các dự án BOT là không đúng.
Hiện nay Bộ GTVT chỉ mới đang xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông. Việc có tăng, giảm phí hay không còn phải chờ ý kiến các đơn vị trên để Bộ GTVT tổng hợp, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng giải pháp rồi mới báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý phương án.
GS-TS Từ Sỹ Sùa từ khoa vận tải - kinh tế, Đại học GTVT cho rằng, việc tăng phí tại các trạm BOT là điều bình thường nhưng cần công khai, minh bạch và có lộ trình.
Nhưng theo ông Sùa thì không nên tăng phí BOT vào thời điểm này. Chuyện tăng phí phải giải thích, thuyết phục người dân, làm sao để người dân thấy rõ rằng chuyện tăng giảm phí là bình thường.
"Còn tăng bao nhiêu phần trăm thì phải có cơ sở thuyết phục, để dân phục, người ta chi đồng tiền ra cảm thấy được công khai, minh bạch”, ông Sùa nói.
Theo quan điểm của ông Sùa, bất kỳ dự án nào cũng phải xác định tính khả thi về kinh tế, tức là có hiệu quả không, với các dự án BOT đó là thời gian thu phí bao lâu, mức thu thế nào…
Ở Việt Nam, lúc bắt đầu dự án chưa thấy vấn đề gì nhưng trong lúc triển khai dự án lại có điều không hay là điều chỉnh: điều chỉnh thời gian, điều chỉnh mức thu…
“Vấn đề này không chỉ Bộ GTVT mà cần có sự tham gia của Bộ Tài chính, các bộ ngành có liên quan, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: chủ đầu tư, người sử dụng và Nhà nước. Đây được gọi là điểm cân bằng. Điểm cân bằng đó là người mua dịch vụ cảm thấy chấp nhận được. Chủ đầu tư cảm thấy có thể thu hồi vốn. Và nhà nước có thể khống chế được chuyện thu phí, thu thuế, an ninh trật tự”, ông Sùa khẳng định.
Ông Sùa cũng cho rằng, bất kỳ dự án nào cũng có rủi ro, như về tỷ giá, về pháp luật, về điều kiện tự nhiên, do đó không nên lo ngại dự án này đổ bể thì ảnh hưởng đến dự án kia.
"Dự án có cái rủi ro cao, có cái rủi ro thấp, ta phải tính đến xu hướng chung chứ một dự án cụ thể không nói lên được thực tế”, ông Sùa khẳng định.
Hoài Nam