Gỡ điểm nghẽn giao thông cho TP.HCM và cả khu vực Đông-Tây Nam Bộ

Sự kiện - Ngày đăng : 07:19, 19/06/2019

TP.HCM vừa là đầu mối kết nối giao thông Đông-Tây Nam Bộ, vừa là nhạc trưởng của việc liên kết giao thông, kinh tế vùng...

Chiều 18.6, tại hội nghị đánh giá kết quả 2năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CPcủa Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu về giải pháp kết nối giữa TP.HCM với miền Đông Nam Bộ vàĐBSCL.

TP.HCM: Đầu mối kết nối hai khu vực

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định hiện trạng hạ tầng giao thông trở thành lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của ĐBSCL, tương tự như TP.HCM. Ông phân tích hiện nay, về mặt địa lý kinh tế thì TP.HCM thuộc Đông Nam Bộ chứ không phải ĐBSCL, tuy nhiên hoạt động kinh tế thực thì lại gắn với ĐBSCL nhiều hơn. Cụ thể, hiện khu vực Đông Nam Bộ (trừ TP.HCM) đóng góp 9,8% GDP cả nước, trong khi ĐBSCL góp 18% (gấp 1,8 lần Đông Nam Bộ). Ngoài ra, quy mô dân số của ĐBSCL cũng gấp ba lần, diện tích gấp 1,9 lần so với Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là nơi cung cấp phần lớn lao động cho TP.HCM.

“Vì vậy, muốn giải quyết bài toán giao thông cho ĐBSCL mà không đưa TP.HCM vào làm đầu mối giao thông của quy hoạch thì không có đầy đủ ý nghĩa. Hơn nữa kinh tế của TP.HCM vừa thuộc Đông Nam Bộ vừa thuộc ĐBSCL, nếu để ra ngoài thì quy hoạch sẽ rất vướng” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Theo đó, ông đề nghị cần đầu tư mạnh phát triển giao thông cho TP.HCM, Đông Nam Bộ, ĐBSCL tương xứng với GDP khu vực này đóng góp cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM và ĐBSCL đang rất yếu. Nhiều trục đường bộ theo quy hoạch đến năm 2020 phải hoàn thành nhưng đến nay mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang quá trình nghiên cứu. Tuyến đường thủy qua kênh Chợ Gạo thì hẹp… “Do kết nối vùng về giao thông còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra. Đồng thời, chi phí vận tải tăng cao làm ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL và TP.HCM” - ông Hoan nhấn mạnh.

Tăng tốc và tăng tốc hơn nữa

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, 15 năm qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng giao thông ĐBSCL và TP.HCM chậm hơn so với cả nước. “Vì vậy, 10 năm tới phải đầu tư tăng tốc, tăng tốc nhiều hơn để bù lại thời gian trước thì mới khắc phục được tụt hậu, đảm bảo đóng góp của khu vực này vào sự phát triển của cả nước” - ông Nhânnói và cho rằng nên nâng tỷlệ đầu tư giao thông của cả vùng từ mức 20-25% lên khoảng 30-35% (trong đó ĐBSCL 15-20%, còn cả vùng 30-35%).

Về nguồn vốn để đầu tư, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị trích 20% từ tiền ngân sách hằng năm TP.HCM nộp về trung ương để đầu tư cho hạ tầng giao thông của TP.HCM và ĐBSCL trong 5-10 năm nữa.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các nội dung khác gồm:

1. Thu hút xã hội hóa đầu tư cho giao thông ngoài hình thức BOT bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ (nếu chỉ lấy nguồn trong nước tập trung cho giao thông, bằng khoảng 2% GDP sẽ không đảm bảo không vượt trần nợ công).

2. Tập trung làm chín công trình cho ĐBSCL theo công thức 2 - 3 - 4. Trong đó, 2 là vành đai 3, 4 của TP.HCM; 3 là trục giao thông dọc ĐBSCL (gồm cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 60, đường N2); 4 là các trục đường ngang (gồm các quốc lộ 62, 30, 91 và 80).

3. Sớm công bố chuẩn xỉ làm vật liệu xây dựng để sử dụng xỉ nhiệt điện ở ĐBSCL làm nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ.

4. Chấn chỉnh hiện tượng khai thác cát.

5. Giảm, tiến tới chấm dứt hiện tượng khai thác nước ngầm.

Mở thêm đường cao tốc, nâng cao đường sắt

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị đối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kiến nghị trung ương giao TP.HCM tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước (phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng).

Đối với dự án quốc lộ 50 mới (còn gọi là quốc lộ 50B), TP.HCM đã thống nhất với tỉnh Long An là TP.HCM sẽ đầu tư đoạn thuộc TP.HCM đến huyện Cần Giuộc (Long An) dài 8km theo hình thức PPP giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét kiến nghị của tỉnh Long An về bổ sung quy hoạch và đầu tư đoạn còn lại.

TP.HCM cũng kiến nghị sớm nâng cấp đoạn đường sắt quốc gia Bình Triệu - Hòa Hưng (dài 9,5km) thành tuyến đường sắt trên cao nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô.

Đối với tuyến đường thủy Sài Gòn - Kiên Lương (qua kênh Tháp Mười) và tuyến Sài Gòn - Bến Kéo (Tây Ninh), TP.HCM đề nghị sớm cải tạo nâng cấp luồng sông đoạn Chợ Đệm - Bến Lức dài 4,8km đạt chuẩn cấp 3.

Giữa TP.HCM - ĐBSCL vẫn còn điểm nghẽn

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thời gian qua Bộ đã tập trung hoàn thành một số công trình dự án đang triển khai trên địa bàn ĐBSCL. Điển hình, đã kết thúc khánh thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường kết nối trung tâm ĐBSCL. Một số dự án đang triển khai, khẩn trương hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng. “Vừa qua đã bố trí được 10.600 tỉ đồng để triển khai một số công trình mới như quốc lộ 30, quốc lộ 57, tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp, quốc lộ 53… để chuẩn bị tạo các điều kiện cho GTVT khu vực này được tốt hơn.

"Tuy nhiên,với những kết quả trong 2năm vừa qua thì chúng tôi còn cảm thấy chưa hài lòng vì GTVT của khu vực này hiện nay là một điểm nghẽn rất lớn cho khu vực ĐBSCL kết nối với TP.HCM” - ông Thể nói.

Theo ông Thể, thời gian tới Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam bằng nguồn vốn vay của WB. Dự kiến dự án này sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.

Về dự án đường sắt, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ TP.HCM đến Cần Thơ phù hợp với định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt…

Ông Thể cũng nêu một số kiến nghị cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích, huy động các nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông; đề nghị bố trí khoảng 20% tổng vốn đầu tư của Nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TP.HCM phải là nhạc trưởng trong liên kết vùng

“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô hình, phương thức sản xuất, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, của bản lĩnh, niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị.

Theo Thủ tướng, ĐBSCL có dân số 20 triệu người, đóng góp khoảng 20% GDP cả nước, nếu tính cả vùng TP.HCM (bao gồm các tỉnh Đông Nam Bộ) thì quy mô GDP vùng ĐBSCL và vùng TP.HCM sẽ chiếm hơn 60% GDP cả nước. Vai trò của ĐBSCL và vùng TP.HCM đối với cả nước không chỉ thể hiện ở con số tỷtrọng đóng góp đó. Nếu trừ ĐBSCL và vùng TP.HCM ra thì phần đóng góp của các địa phương khác sẽ ít hơn con số 40%. Nếu không có ĐBSCL hay vùng này bị ảnh hưởng thì quy mô GDP của TP.HCM không thể giữ được mức 30% của cả nước như hiện nay.

“Nghị quyết 120 đã đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển thuận thiên, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cố kết sẵn có của tự nhiên nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Số phận suy vong hay thịnh phát do chính chúng ta quyết định bằng chính hành động của mình. Chứ không phải thuận thiên là xuôi tay hết” - Thủ tướng nói.

“Nhận thức thuận thiên ở đây không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà dành các nguồn lực để phát triển ĐBSCL rõ hơn, nhiều hơn” - Thủ tướng nói. Cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng như phải làm cho xong đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Các địa phương cần thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu, nếu không thì các chính sách sẽ không thể thành công. TP.HCM phải phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối hiệu quả các cơ chế liên kết vùng.

Theo Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, ĐBSCL đang trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ, thách thức lớn từbiến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác sử dụng tài nguyên thiếu hợp lý trong nước và thượng nguồn sông Mekong.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Nghị quyết 120 đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy pháttriển bền vững ĐBSCLnhưng sau hai năm triển khai, ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Theo Báo Pháp luật TP.HCM

Báo Pháp luật TP.HCM