Xử vụ chạy thận chết người ở Hòa Bình: BS Hoàng Công Lương được giảm án
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:00, 19/06/2019
Ngày 19.6, sau thời gian nghị án kéo dài, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên bản án phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 30 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”. Các bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” lần lượt nhận mức án như sau: bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị ytế, BVĐK tỉnh Hòa Bình) 30 tháng tù. Hoàng Đình Khiếu (PGĐ, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) 30 tháng tù; Trương Quý Dương (nguyên GĐ bệnh viện) 30 tháng tù. Đỗ Anh Tuấn (nguyên GĐ Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) 24 tháng tù, hưởng ántreo.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định các bị cáo trên là nhân viên của BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn nên HĐXX tuyên buộc phía bệnh viện phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường 70%, Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường 30%.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án - Ảnh chụp màn hình
Trong phần tuyên án, HĐXX nhận định Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị, có chứng chỉ hành nghề; biết rõ ngày 28.5.2017hệ thống RO số 2 được sửa chữa. Tuy nhiên, ngày xảy ra sự cố y khoa, bị cáo chưa được ai bàn giao về việc đưa hệ thống này vào sử dụng sau khi sửa chữa. Khi nghe điều dưỡng viên nói về việc nhân viên phòng vật tư thông báo hệ thống đã sửa xong, bị cáo Lương đã không kiểm tra lại mà ra y lệnh điều trị khiến 8 nạn nhân tử vong.
Xét tội danh, bị cáo Hoàng Công Lương bị truy tố tội “Vô ý làm chết người” là đúng ngườiđúng tội. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX nhận định việc rút kháng cáo về việc xem xét lại tội danh của bị cáo là toàn tự nguyện nên HĐXX chấp thuận việc rút kháng cáo về tội danh. Cũng tại phiên phúc thẩm, HĐXX xét thấy bị cáo Lương có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Bị cáo Trương Quý Dương- Ảnh: T.A
Xét kháng cáo của bị cáo Trương Quý Dương, theo HĐXX, bị cáo Dương là người đứng đầu, chịu trách nhiệm mọi hoạt động của bệnh viện. Để cho các bộ phận của bệnh viện xảy ra sai sót, gây ra hậu quả như sự cố y khoa là có phần trách nhiệm của bị cáo. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo, HĐXX nhận thấy bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… nhưng đó đều là tình tiết giảm nhẹ đã được áp dụng, nên mức án 30 tháng tù là phù hợp.
Theo HĐXX, sự cố y khoa xảy ra là hy hữu; mặc dù các bị cáo đã tích cực cứu chữa bệnh nhân, nhân thân các bị cáo tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng HĐXX không chấp nhận cho các bị cáo được hưởng án treo để đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn, theo HĐXX, bị cáo bị truy tố, xét xử đúng ngườiđúng tội, đúng pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, sau khi sự cố y khoa xảy ra, bị cáo Tuấn đã tích cực chỉ đạo công ty khắc phục hậu quả, bị cáo có nhiều đóng góp cho nền kinh tế… nên có căn cứ giảm nhẹ một phần hình phạt, xem xét cho bị cáo Tuấn được hưởng án treo.
Ngoài ra, trong phần tuyên án, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Y tế xây dựng các quy định chung, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy... Đặc biệt, Bộ Y tế phải đề cao kỷ cương của đội ngũ y bác sĩ, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. HĐXX kiến nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cần tăng cường thanh, kiểm tra, đảm bảo các kỹ thuật mới; cập nhật bổ sung sửa đổi các nội dung văn bản theo đúng quy chế… Phía bệnh viện cần tăng cường phối hợp giữa các khoa, phòng để tránh sự cố như trong vụ án này.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (áo trắng) được giám án và hưởng án treo - Ảnh: T.A
Theo cáo buộc, Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quá trình thực hiện, Quốc đã sử dụng hỗn hợp a xítflohydric (HF) và a xít clohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc. Trong lúc thực hiện đã để tồn dư một lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.
Bị cáo Hoàng Công Lương là người thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sữa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28.5.2017.
Với trình độ, nhận thức, vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Lương phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa.
Tuy nhiên, sáng 29.5.2017, khi mới nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong thì Lương đã không kiểm tra lại, không báo lại với Trưởng khoa mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người tử vong.
Các bị cáo khác bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới…
Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù; Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) lĩnh án 54 tháng tù. Trần Văn Sơn (Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình) 42 tháng tù; Trần Văn Thắng 36 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù; Trương Quý Dương 30 tháng tù; Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù.
Nhã Thanh
Nhiều tình tiết giảm nhẹ, Hoàng Công Lương có được hưởng án treo?
Hoàng Công Lương quá tự tin khi ra y lệnh, không phải cẩu thả