Đánh thuế lên 20 công ty Trung Quốc vì phá giá mặt hàng thép

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:34, 19/06/2019

Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế chống bán phá giá thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ lên 20 công ty của Trung Quốc.

Bộ Công Thương mới đây đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, mạ hoặc không mạ, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, các mặt hàng thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ bị áp thuế 3,45 đến 34,27%. Theo danh sách đính kèm quyết định này, sẽ có 20 công ty đến từ Trung Quốc và 3 công ty Hàn Quốc nhập khẩu các mặt hàng trên vào Việt Nam bị đánh thuế.

Bộ Công Thương cho biết đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép phủ màu.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, tiếp tục gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.

"Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc", Bộ Công Thương cho hay.

Thời gian vừa qua tại Việt Nam, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thép gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản do sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Trao đổi với báo chí, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam dẫn chứng, đơn cử như trước đây, một sản phẩm ống thép của doanh nghiệp Trung Quốc đến công đoạn đóng gói giá trị khoảng 710.000 đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được mức giá đó. Phôi đúc ra còn sần sùi chưa tiện đã hơn 710.000 đồng.

Do đó, sự chênh lệch về giá cả giữa các mặt hàng thép có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc và các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành thép trong nước.

Tuyết Nhung

tuyetnhung