Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng gian lận điểm thi như năm 2018
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:22, 20/06/2019
Theo như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đến thời điểm này các địa phương đã cơ bản hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi. Một số địa phương đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng.
Những vấn đề còn tồn tại, chưa hợp lý trong phương án tổ chức thi của các địa phương đã được các đoàn kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn chỉnh sửa cụ thể và yêu cầu báo cáo lại chi tiết tình hình thực hiện. Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia cũng như sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu toàn ngành phải tập trung cao độ, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
“Phải rà soát danh sách các cán bộ coi thi và thanh tra tại các điểm thi, đây là khâu rất quan trọng. Cán bộ coi thi tại thời điểm này đang được lập danh sách, do đó phải rà soát xem các đơn vị cử những cán bộ nào đi làm công tác coi thi. Cùng với đó, các vấn đề mà qua thực tiễn thanh, kiểm tra trong đợt vừa qua phát hiện thấy còn chưa tốt thì phải kiến nghị để tìm giải pháp khắc phục ngay. Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi, tất cả lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ phải tập trung cao độ cho việc chỉ đạo tổ chức kỳ thi, nắm bắt và hướng dẫn kịp thời cho các địa phương, đảm bảo việc tổ chức kỳ thi đúng quy trình và quy chế",Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết trong buổi gặp mặt báo chí chiều 19.6.
Không chỉ quán triệt trong toàn ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có công điện gửi các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo các trường đại học, học viện, cao đẳng tham gia tổ chức kỳ thi, về việc tập trung chỉ đạo và phối hợp tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Trong đó, vấn đề đảm bảo an ninh kỳ thi được đặc biệt nhấn mạnh đối với các địa phương đã xảy ra sai phạm trong năm vừa qua.
“Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử, nhất là tiêu cực, gian lận có tổ chức;thường xuyên báo cáo ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về tình hình tổ chức kỳ thi tại địa phương và những vấn đề phát sinh nếu có;tuyệt đối không được để xảy ra gian lận điểm thi như năm 2018 tại các địa phương”,Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Riêng các tỉnh có xảy ra gian lận thi cử năm 2018 như Sơn La, Hòa Bình, sau khi hàng loạt các lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của các sở giáo dục và đào tạo địa phương bị bắt hoặc kỷ luật, các tỉnh này gặp khó khăn do thiếu nhân sự cấp sở, phòng tham gia hội đồng thi, các ban của hội đồng. Nhiều người trong hội đồng là nhân sự mới, thiếu kinh nghiệm tổ chức thi. Khắc phục vấn đề này, các địa phương đã đề nghị trường đại học hỗ trợ cử cán bộ tham gia các ban của hội đồng, mời cán bộ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)về tập huấn trực tiếp cho toàn bộ cán bộ làm thi của địa phương.
Với các trường đại học, học viện, cao đẳng, Bộ yêu cầu quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, phân công rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cán bộ trong từng khâu. Việc cử cán bộ tham gia công tác thi phải đảm bảo đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng, nắm vững quy chế. Các trường phải phối hợp chặt chẽ với hội đồng thi các tỉnh, thành phố để thực hiện kế hoạch tổ chức kỳ thi, phối hợp với công an để kịp thời phát hiện mọi hành vi tiêu cực.Để tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2019 tại các địa phương, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 8 đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tất cả 63 tỉnh/thành trong cả nước.
Đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh kiểm tra tại 26 tỉnh, thành, dự kiến, công tác thanh kiểm tra phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ còn tiếp tục từ nay cho tới khi khâu chấm thi hoàn tất. Bộ GD-ĐTcũng cho biết kết quả tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo năm 2019.
Dạ Thảo