Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Biên soạn SGK chịu áp lực vì xã hội kỳ vọng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:24, 20/06/2019
Tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 trong ngày 19.6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện nay việc xác định thẩm định SGK là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
“Tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải đưa ra được bộ chỉ báo tiêu chuẩn thống nhất, từ cách hiểu, cách thực hiện tới cách đánh giá. Mỗi chỉ báo cụ thể hóa nội dung, mục tiêu của từng môn học, năng lực cần đạt được của người học; từ đó, các thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, bao gồm 2/3 là giáo viên đang đứng lớp, có thể thẩm định chính xác, khách quan và công bằng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết việc biên soạn và ban hành SGK là việc được cả xã hội trông đợi nên vô cùng áp lực, nên bộ trưởng hy vọng các thành viên trong Hội đồng thẩm định sẽ cho ra đời một bộ SGK hoàn chỉnh nhất, trước hết là cho 8 môn học dành cho lớp 1 tới đây.
Bộ trưởng Nhạ cũng thông tin đối với SGK lớp 1, việc chấm thẩm định từ tháng 6.2019, sau đó sẽ tiếp tục chỉnh sửa, thực nghiệm, hoàn thiện bản mẫu SGK, thẩm định lại theo quy định để được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12.2019. Mục tiêu cuối cùng là kịp thời tổ chức in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021.
"Bộ cũng ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Ngày 21.5, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, liên quan đến vấn đề SGK, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình cho biếtcó ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, SGK; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằnghiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ SGK theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo Luật Giáo dục. Về lựa chọn SGK, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Băn khoăn về việc trên, đại biểu đến từ Lâm Đồng,ông Nguyễn Tạo,nói: “Quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là hạn chế, có thể dẫn đến loạn SGK, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung. Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn SGK”. |
Dạ Thảo