Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có tiềm năng lớn về dược liệu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:46, 23/06/2019
Theo thông tin từ Bộ KH-CN, quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm.
Theo PGS.TS. Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế), đây là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển dược liệu. Với tổng diện tích lớn, địa hình đa dạng từ địa hình cao nguyên, vùng núi cao, núi thấp, thung lũng (vùng Tây Nguyên), vùng đồng bằng ven biển, vùng núi thấp (tại Nam Trung Bộ); khí hậu hai mùa rõ rệt; đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp nói chung và phù hợp với nhiều loại cây dược liệu nói riêng.
Theo kết quả thống kê gần đây, ở Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc và trên 1.000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung Bộ. Đây thực sự là kho tàng vô giá và tiềm năng lớn để khai thác và phát triển phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.
Theo báo cáo của Viện Dược liệu, hiện nay, ứng dụng KH-CN được tập trung vào sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhiều công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến như viễn thám, định vị vệ tinh được ứng dụng để đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu.
Tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã triển khai các hoạt động nghiên cứu KH-CN để phát triển sản phẩm dược liệu. Tiêu biểu như hoàn thiện quy trình sản xuất piperine và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng tại tỉnh Đăk Nông.
Nghiên cứu công nghệ tách chiết sản xuất viên nang và trà hòa tan hỗ trợ bệnh cao huyết áp và mỡ máu từ đài hoa Bụp giấm. Nghiên cứu chiết tách phân đoạn kháng oxy hóa từ quả me rừng; sản xuất cao khô từ lá dâu tằm….
Thu Anh