Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm tại dự án Sâm Ngọc Linh

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:49, 24/06/2019

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho dự án đầu tư; thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại Bộ Khoa học - Công nghệ.

Nhiều sai phạm khi phê duyệt dự án

Theo thông báo kết luận, Bộ KH-CN phê duyệt một số dự án khi chủ đầu tư trình duyệt còn sai sót; phê duyệt mua ô tô chưa đúng với Quyết định 61/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước (dự án Sâm Ngọc Linh).

Phê duyệt chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án cho một số chủ đầu tư không có chức năng chuyên môn và không có đủ cán bộ có năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng (Viện Năng lượng nguyên tử tại Đà Nẵng, Sâm Ngọc Linh) theo quy định.

Cùng với đó, chương trình, kế hoạch thanh tra của Bộ KH-CN các năm từ 2013-2017 chưa có nôi dung thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho các dự án đầu tư. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư còn nhiều sai sót khi thực hiện dự án nhưng chưa được phát hiện kịp thời.

Về công tác Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), còn có thành viên các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (KTTCQG) chưa được đào tạo nghiệp vụ về tiêu chuẩn hóa. Còn một số nhóm sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc các bộ, ngành chưa xây dựng và ban hành quy chuẩn Việt Nam (QCVN), việc đánh giá hợp chuẩn, hợp quy được áp dụng theo các văn bản có nội dung thay thế QCVN (do các bộ, ngành ban hành) là không đúng quy định của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Cả3 trong 3địa phương được kiểm tra (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM) việc thống kê, theo dõi, kiểm soát các thiết bị, phương tiện đo phải kiểm định, hiệu chuẩn trên địa bàn chưa được thường xuyên; năng lực thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo đối với phương tiện đo nhóm 2 phục vụ công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóađối với những lô hàng không phù hợp với quy chuẩn, chưa có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để xử lý theo quy định; Thời gian thực hiện thẩm định hồ sơ xin đăng ký hoạt động chứng nhận còn kéo dài so với quy định. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của các đơn vị đăng ký hoạt động chứng nhận sự phù hợp, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo còn hạn chế, chưa thường xuyên để một số đơn vị thực hiện chứng nhận ngoài phạm vi được cấp đăng ký hoạt động…

Chưa có quy định về điều kiện hoạt động đào tạo, nội dung, giáo trình đào tạo cấp chứng chỉ ISO và quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ kiểm định viên, giám định viên thuộc các tổ chức giám định, kiểm định.

Còn để tình trạng một người vừa được cấp thẻ chuyên gia đánh giá vừa được cấp thẻ chuyên gia tư vấn; Công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa còn giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, thanh tra.

Công tác quản lý hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa còn lỏng lẻo; việc báo cáo định kỳ về tình hình cấp giấy xác nhận và hoạt động xét tặng của các tổ chức xét thưởng chưa tuân thủ đúng quy định.

Nhiều sai sót tại dự án Sâm Ngọc Linh

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra chỉ ra, dự án Sâm Ngọc Linh do Bộ KH-CN chỉ đạo triển khai, công tác lập thẩm tra dự án có nhiều sai sót như số liệu phản ánh còn chưa thống nhất (cây giống trong dự án Sâm Ngọc Linh), chưa tính toán kỹ tính khả thi của dự án dẫn đến phải điều chính sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án.

Việc xác định cây giống là thiết bị chưa phù hợp, dẫn đến dự án được duyệt thiếu chi phí cho hoạt động trồng và chăm sóc cây, gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, dự toán dự án lập cho nội dung chi phí quản lý dự án chưa tính toán kỹ đến đặc thù của dự án, dẫn đến không lập theo phương án xây dựng dự toán chi cụ thể mà xác định theo tỷ lệ, gây khó khăn khi thực hiện và phải xin điều chỉnh.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong công tác quản lý dự án Sâm Ngọc Linh, thời gian thực hiện dự án bị kéo dài; Ban Quản lý dự án có sự thay đổi về nhân sự nhiều lần, gây khó khăn trong quá trình quản lý dự án. Việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu đối với dự án nêu trên chưa đúng quy định về lựa chọn nhà thầu. Công tác lập hồ sơ mời thầu đối cũng chưa đảm bảo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nhà thầu không đảm bảo nhân sự thi công; tiến độ thi công, cung cấp lắp đặt thiết bị còn chậm so với hợp đồng ký kết.

Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm trên thuộc về lãnh đạo Bộ Khoa học -Công nghệ được giao phụ trách thời kỳ 2013-2017; các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Khoa học -Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; Văn phòng Bộ; Vụ Kế hoạch-Tài chính; Thanh tra Bộ) giai đoạn 2013 - 2017.

Theo kết luận, số tiền sai phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán là hơn 32 tỉ đồng, cụ thể, giai đoạn 2013 - 2017 là hơn 25,7 tỉ đồng (đã xử lý hơn 24,4 tỉ đồng, còn phải xử lý tiếp hơn 1,3 tỉ đồng).

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu xử lý số tiền hơn 6,3 tỉ đồng (trong đó, loại khỏi giá trị thanh toán, quyết toán công trình, dự án là hơn 5,6 tỉ đồng, xử lý khác là 680,797 triệu đồng).

Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án Sâm Ngọc Linh giải trình cụ thể từng khoản chi, căn cứ tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật xử lý số tiền chi quản lý dự án tăng so với dự toán dự án được duyệt là trên 680 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Khoa học -Công nghệ và các chủ đầu tư dự án tổ chức kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc, đề xuất xử lý tập thể, cá nhân liên quan đến thiếu sót, vi phạm.

Lam Thanh

Bùi Trí Lâm