Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Hơn 887.000 thí sinh làm xong thủ tục dự thi
Sự kiện - Ngày đăng : 15:12, 24/06/2019
Đúng 14 giờ, các thí sinh đã có mặt đông đủ tại các Hội đồng thi THPT quốc gia 2019 để nghe phổ biến quy chế, làm thủ tục dự thi và đính chính sai sót thông tin của mình nếu có sai sót. Theo báo cáo, cả nước có gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi với 887.104 thí sinh. Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%). Bên cạnh đó, có 27.066 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Theo quan sát của phóng viên, trong chiều 24.6, các cán bộ coi thi đã hướng dẫn cụ thể thí sinh việc phải mang theo giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để đối chiếu trước khi vào phòng thi. Bên cạnh đấy, những thông tin cá nhân cũng được các cán bộ coi thi giải thích và đọc rõ ràng để thí sinh lưu ý.
Theo kế hoạch, sáng 25.6, các thí sinh sẽ bước vào môn thi đầu tiên - Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút và buổi chiều môn Toán với thời gian làm bài 90 phút., kỳ thi sẽ kéo dài đến ngày 27.6. Hiện nay tại các địa phương tính đến chiều 23.6 đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Tại 3 điểm nóng có gian lận thi cử năm 2018 là Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang cũng đã được Bộ GD-ĐT nâng cao tinh thần giám sát, tăng cường các lực lượng kiểm tra. Ngày 24.6, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốcSở GD-ĐT Sơn La báo cáo về công tác chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo đó, Sơn La có 33 điểm thi với 453 phòng thi được lắp đặt hệ thống camera giám sát an toàn. Ban chỉ đạo thi thành lập 11 đoàn kiểm tra giám sát các điểm thi. Đến thời điểm này, công tác sao in đề thi đến 33 điểm thi được đánh giá an toàn. Ban chỉ đạo liên tục rà soát danh sách các cán bộ tham gia coi, sao in đề thi. Đối với những cán bộ có người nhà hay thí sinh dự thi năm nay đều bị gạt bỏ khỏi danh sách và thay thế kịp thời bằng những cán bộ khác.
Còn tại Hà Giang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cho biết: "Chúng tôi đảm bảo quá trình thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực để lấy lại niềm tin của người dân, xã hội. Năm nay Hà Giang đã chi hơn 1 tỉđồng để lắp đặt các camera giám sát an ninh tại các điểm thi, khu vực chấm thi, in sao đề thi. Tỉnh Hà Giang chi thêm 5 tỉđồng cho hoạt động nghiệp vụ thi. Công tác lựa chọn và bố trí nhân sự trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 trong tất cả các khâu như in sao đề thi, coi thi, làm phách, chấm thi... được thực hiện thận trọng, có sự phối hợp liên ngành, thẩm tra của Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh".
Năm nay, tỉnh Hà Giang lựa chọn Nhà khách Biên phòng của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm nơi in sao đề thi, còn nơi chấm thi là Trường THCS Điện Biên. Khu vực sao in đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt; 20 điểm thi còn lại, mỗi nơi lắp 2 camera. Khu vực lưu trữ đề thi luôn có một cán bộ điểm phó của trường đại học cùng với cán bộ công an thường trực trông giữ, bảo quản đề thi. Tổng số lượng lực lượng an ninh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Giang là hơn 200 người.
Một địa điểm thi tại trường THPT Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình
Còn tại Hòa Bình, tỉnh cũng đã huy động 37 trưởng điểm thi, 74 thư ký, 412 cán bộ coi thi, 112 cán bộ giám sát, nhân viên phục vụ là 490 người cho kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay tỉnh có 8.993 thí sinh đăng ký dự thi với 37 điểm thi, 393 phòng thi.Trong đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia thanh tra kỳ thi, Sở GD-ĐT yêu cầu các cán bộ này phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; là cộng tác viên thanh tra có kinh nghiệm thanh tra thi.
Sau bê bối gian lận thi cử năm 2018, năm nay, Bộ GD-ĐT cho biếtsẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.
Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi. Năm nay, Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao.
Song song với đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Công tác thanh tra, giám sát năm nay được tăng cường. Tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Bài và ảnh: Thành Chung