Úc muốn sửa sai sau khi cho Trung Quốc thuê cảng 'tử huyệt' 99 năm
Quốc tế - Ngày đăng : 07:30, 25/06/2019
Theo các nguồn tin ABC dẫntừ các quan chức chính phủ và Bộ quốc phòng Úc hôm 24.6, cảng nước sâu Glyde Point dự kiến sẽ được xây dựng ở vị trí cách cảng Darwin khoảng 40 km. Đây có thể coi là sự sửa sai của người Úc vì trót cho công ty củaTrung Quốc thuê cảng tại Darwin trong 99 năm. Việc cho công ty Landbridge thuê cảng Darwin vào năm 2015 đã gây tranh cãi lớn tại Úc vì Landbridge là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng, người có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Andrew Hastie - chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của Nghị viện Úc đã hoan nghênh tin tức nói trên. Ông khẳng định: "Nếu đúng vậy thì điều này giúp khỏa lấp cho quyết định ngu ngốc và thiển cận khi để doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê cảng Darwin”
Thông báo về việc thiết lậpmột cảng mới có thể sẽ đến trong vài tuần tới và có khả năng trùng với cuộc tập trận quân sự Talisman Saber vốn được Mỹ-Úc tiến hành hai năm một lần, dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 7.
Còn giám đốc điều hành của cảng Darwin của Landbridge, Terry O'Connor nói với ABC rằng cảng mới sẽ không khả thi trong thị trường thương mại hiện tại nên không cần xây thêm. Terry O'Connor cũng nói rằng dù Landbridge đang thuê cảng Darwin nhưng vẫn có chỗ cho các căn cứ quân sự của Mỹ. “Chúng tôi vẫn có khoảng 50 tàu hải quân Mỹ sử dụng các căn cứ tại Darwin - East Arm, Fort Hill Wharf hoặc neo đậu trong cảng”.
Tuy nhiên, người Mỹ vẫn rất cảnh giác khi phải dùng cảng một cách bất tiện như vậy. Trong điều kiện bình thường, họ còn lo ngại bị gián điệp giám sát và nếu như khi có biến xảy ra thìrất khó nói trước những phiền toái gặp phải. Việc có một cảng nước sâu như Glyde Point thì sẽ tiện cho hải quân Mỹ điều tàu lớn tới và khẳng định sức mạnh tại vùng tây Thái Bình Dương. Có thể coi vị tríDarwin là tử huyệt trong bản đồ quân sự chiến lược tây Thái Bình Dương. Mỹ không muốn để Trung Quốc nắm lấy tử huyệt này.
Trong những năm qua, Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện lực lượng ở tây Thái Bình Dương với điểm nóng ở Biển Đông. Ban đầu, Úc muốn duy trì vị thế trung lập không muốn làm mếch lòng bên nào. Thậm chí, Úc còn để một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm để đổi lấy những lợi ích kinh tế. Nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà trắng, ông đã hối thúc Úc phải có lập trường rõ ràng hơn.
Phía Úc đã có nhiều động thái cho thấy họ quay lại với đồng minh Mỹ, cảnh giác với các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực. Năm ngoái, Washington và Canberra đã công bố một kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự chung trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea sau khi có tin Trung Quốc đang tìm cách phát triển một cảng nước sâu ở đó. Úc cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ trong việc đưa tàu chiến vào Biển Đông thực thi quyền tự do hàng hải, thách thức các yêu sách phi lý của Bắc Kinh. Ngay cả trên phương diện kinh tế, Úc cũng nói không với Huawei theo lời kêu gọi từ Mỹ bất chấp việc này làm mếch lòng Bắc Kinh.
Anh Tú