Tỷ lệ triệt xóa cơ sở sản xuất ma túy còn thấp
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:22, 25/06/2019
Theo dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy của Bộ Công an, từ năm 2000 đến hết năm 2018, Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phát hiện, điều tra bắt giữ 306.713 vụ/478.200 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 9.697,79 kg heroine; 3.540,79 kg thuốc phiện; trên 4.327,4 kg cần sa,khoảng 4.736,27 kg ma túy tổng hợp; 5.719.982 viên ma túy tổng hợp và nhiều loại ma túy khác cùng nhiều vũ khí, phương tiện, tài sản có liên quan.
Đề nghị truy tố 241.879 vụ với 316.439 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý xét xử 217.456 vụ án với 283.588 bị cáo phạm tội về ma túy, chất lượng truy tố, xét xử các vụ án về ma túy của ngành Kiểm sát, Tòa án các cấp được nâng lên, cơ bản đảm bảo đúng người đúng tội.
Tuy nhiên, các loại tội phạm về ma túy ở Việt Nam vẫn chưa được ngănchặn, đẩy lùi và có chiều hướng gia tăng. Tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn. Số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn ngày càng nhiều.
Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài cũng diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy có sự cấu kết giữa người Việt Nam và người nước ngoài hoặc người nước ngoài trực tiếp vận chuyển ma túy vào Việt Nam, nhất là các đối tượng người châu Phi tổ chức các đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam và đi nước thứ 3 tăng lên. Tình hình sản xuất ma túy tổng hợp, hàm lượng ma túy thành phẩm cao hơn so với trước.
Một số khó khăn, vướng mắc là có những quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự vềchức năng, nhiệm vụ, quyền hạn công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; về các hành vi có liên quan đến phòng, chống ma túy.
Hiệu quả hoạt động kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới, đường biển, đường hàng không vào Việt Nam tuy đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng với thực trạng tình hình; tỷ lệ bắt giữ các đối tượng cầm đầu (chủ đầu nậu về ma túy) còn rất hạn chế. Nhiều đối tượng phạm tội trốn truy nã qua biên giới chưa bắt được.
Công tác nắm, quản lý địa bàn, đối tượng hoạt động về ma túy còn hạn chế, tỷ lệ phát hiện và triệt xóa các cơ sở sản xuất, chiết xuất, chế ép, tiêu thụ ma túy (nhất là địa bàn nội địa) còn thấp; nhiều điểm nóng (địa bàn trung chuyển ma túy) về ma túy như: Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La; Hang Kia-Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình; Lương Phong, Hiệp Hòa và Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang chưa được triệt xóa.
Việc phối hợp giữa lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống ma túy còn thiếu chặt chẽ, nội dung phối hợp chưa cụ thể và đồng bộ nên hiệu quả hợp tác chưa cao; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng đấu tranh chống tội phạm ma túy của các tỉnhgiáp biên với lực lượng của các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc còn nhiều bất cập.
Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ cho công tác phát hiện ma túy, thông tin liên lạc và giám định ma túy, công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của các lực lượng còn thiếu; Nguồn nhân lực thực hiện công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của các cơ quan ở Trung ương và địa phương còn thiếu về số lượng.
Việt Nam đã ký 8 Hiệp định song phương về phòng, chống ma túy với Chính phủ các nước: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Nga, Myanmar, Hungary, Thái Lan, Mỹ, 17 Hiệp định hợp tác trong phòng, chống tội phạm với hầu hết các nước trong khu vực và các đối tác, có ý nghĩa quan trọng về phòng, chống ma túy trên thế giới.
Việc hợp tác quốc tế đã giúp Việt Nam tiếp nhận và chia sẻ hàng nghìn thông tin về tội phạm ma túy với Cảnh sát các nước. Thông qua các mối quan hệ này, ta đã tranh thủ được nguồn lực của các đối tác tiềm năng, cũng như góp phần ngăn chặn ma túy từ xa vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước thứ ba.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới chưa góp phần hữu hiệu ngăn chặn từ xa và làm giảm ma túy thẩm lậu vào nước ta.
Chính quyền một số địa phương thực hiện chỉ đạo công tác hợp tác quốc tế còn chung chung, đôi khi mang tính hình thức, nội dung phòng, chống ma túy chưa được nêu rõ, thiếu cụ thể. Hợp tác ở cấp tác chiến giữa các lực lượng chuyên trách của hai bên tại khu vực biên giới còn thiếu cơ chế rõ ràng nên chưa thực sự có hiệu quả.
Việc thực hiện nghĩa vụ còn có hạn chế, nhất là trách nhiệm trong việc báo cáo số liệu cho Liên Hợp Quốc; Cơ chế hợp tác chống ma túy trên biển cũng như các cửa khẩu hàng không, hải cảng của Việt Nam ở các sân bay, hải cảng trọng điểm trong khu vực chưa được hình thành; chưa bố trí được sĩquan liên lạc ở nước ngoài; còn thiếu cán bộ có trình độ ngoại ngữ của các lực lượng chuyên trách chống tội phạm ma túy.
Lam Thanh