Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của thế giới về năng lượng tái tạo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:18, 28/06/2019
Tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng năm 2019 được Bộ KH-CN tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM từ ngày 26 - 27.6, theo ông Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí... dần cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.
Ông Đạt cho rằng thách thức trong giai đoạn tới là rất lớn khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh kéo theo nhu cầu ngày càng cao về năng lượng, cùng với đó là tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu cũng như tiềm tàng khả năng bất ổn về kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng tỉ trọng nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng như sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn năng lượng truyền thống.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam có lợi thế lớnnguồn năng lượng tái tạo dồi dào với 63% diện tích lãnh thổ có thể phát triển điện gió, tiềm năng khoảng 2 triệu MW; nguồn bức xạ trải dài từ bắc tới nam với cường độ cao, đủ để khai thác điện mặt trời. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vẫn chưa khai thác một cách hiệu quả.
Cũng tại Diễn đàn, ông Lee Sang Hoon - Chủ tịch Trung tâm Năng lượng tái tạo, Cục Năng lượng Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều vùng ở Việt Nam có nguồn năng lượng gió phong phú, năng lượng mặt trời ở mức cao, do đó thuận lợi để phát triển điện mặt trời, điện gió góp phần vào việc phát triển năng lượng tái tạo.
Trong tương lai không xa, ông Lee Sang Hoon nhận định Việt Nam rất có tiềm năng trở thành trung tâm của thế giới về năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ là hai nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu và chiếm khoảng 20% năng lượng quốc gia. Để phát triển mở rộng các dự án năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực xúc tiến, ban hành các chính sách liên quan.
Phía Bộ KH-CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KH-CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.
Để thực hiện một cách hiệu quả các hoạt động này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học, cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển…
Thu Anh