Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ: Lấy thiết bị y tế được tài trợ đã hết hạn bảo hành để... dự trữ!
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:02, 02/07/2019
Sở Y tế TP.Cần Thơ vừa có báo cáo trình UBND TP.Cần thơ về tình hình quản lý và sử dụng trang thiết bị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Cần Thơ. Theo báo cáo trên, Sở Y tế cho biết,dự án cung cấp thiết bị y tế choBVĐK TP.Cần Thơ mà cán bộ, nhân viên phản ánh, có tổng mức đầu tư hơn 22 triệu Euro (hơn 600 tỉ đồng). Theo ký kết, 71,5%trang thiết bị đưa về BVĐK TP.Cần Thơ có xuất xứ từ Pháp (dự án trên do Pháp tài trợ theo hình thức ODA).
Theo kế hoạch của dự án, đến cuối năm 2016, BVĐK TP.Cần Thơ đã tiếp nhận hơn 3.000 thiết bị trong tổng số 374 danh mục. Lúc này, phía bệnh viện đã phối hợp với nhà thầu IMPE và Công ty Tư vấn hàng hải VOSA Cần Thơ tiến hành tiếp nhận, lắp đặt vàlưu kho.Và đến cuối năm 2018, toàn bộ các thiết bị trên đã hết hạn bảo hành theo hợp đồng. Sau đó, phía bệnh việntiếp tục công tác bảo trì!
Sở Y tế TP.Cần Thơ cho rằng, theo báo cáo của bệnh viện, các thiết bị đang lưu kho trong tình trạng mới, bảo quản tốt. Đây là các thiết bị dự phòng (thuộc danh mục thiết bị đã và đang sử dụng tại một số khoa, phòng) và sẽ được đưa vào sử dụng khi các khoa có nhu cầu thay thế các thiết bị hư hỏng hoặc khi cần sửa chữa. Số trang thiết bị thực tế còn lại tại kho khoảng 3% tổng giá trị dự án.
Nhà kho nơi bảo quản khối thiết bị trên -Ảnh: Thanh Nguyên
TheoSở Y tế TP.Cần Thơ, dự án cung cấp trang thiết bị BVĐK TP.Cần Thơ là dự án lớn của thành phố và được sự hỗ trợ của nhiều sở, ngành cùng nhiều công ty tư vấn. Hiện tại, dự án đã được nghiệm thu, quyết toán.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó giám đốc phụ trách BVĐK TP.Cần Thơ cho rằng, một trong những lý do việc thiết bị y tế tồn kho tại bệnh viện là do tòa nhà bệnh viện được xây trước, còn dự án ODA thì có sau nên có một số thiết bị bị trùng. Thực chất, dự án trang thiết bị BVĐK TP.Cần Thơ được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 5.9.2013, và đến 21.9.2014, bệnh viện này mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.
Và theo các y bác sĩ, ngay từ lúc khởi xây bệnh viện, các chuyên gia phía Pháp đã có mặt, để hướng việc xây dựng trùng khớp với lắp đặt thiết bị tài trợ. Không hiểu sao, sau khi đưa vào hoạt động, vẫn có một số thiết bị được tự mua bên ngoài bằng tiền ngân sách, dẫn đến trùng lắp với các thiết bị được tài trợ, lãng phí! Đây là điều cần làm rõ.
Ngoài ra, việc lãnh đạo bệnh viện cho rằng, khối thiết bị tồn kho trên là dùng để... dự phòng, cũng vấp phải phản ứng của một số cán bộ, nhân viên bệnh viện. Mộtnhân viên của bệnh viện cho rằng, số thiết bị trên đã hết hạn bảo hành, một số còn “nguyên đai nguyên kiện” không thể khẳng định sẽ vận hành bình thường được.
Ngoài ra, thiết bị y tế mỗi năm sẽ được nâng cấp, ra đời những sản phẩm mới, tiên tiến hơn, số thiết bị tồn kho trên nếu được đem ra sử dụng thì cũng đã lỗi thời và kém hiệu quả. Gần như không ai dự trữ thiết bị y tế để sử dụng!
Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, mới đây, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã nhận được đơn phản ánh của tập thể nhân viên BVĐK TP.Cần Thơ cho rằng phía bệnh viện đang có hàng trăm thiết bị y tế không được sử dụng trong thời gian dài.
Các thiết bị trên không thể sử dụng được do lỗi thời, lỗi công nghệ và không phù hợp với nhu cầu của một số khoa khám, chữa bệnh. Ngoài ra, một số dụng cụ, thiết bị (nắn xương, chỉnh hình...) không đúng tiêu chuẩn của người Việt Nam nên phải "trùm mền" đầy kho.
Đơn phản ánh còn đề cập đến việc, bệnh viện đang thực hiện chính sách tự chủ nên khi nhận số thiết bị không phù hợp với nhu cầu thực tế, các khoa khám, chữa bệnh coi đây là một... gánh nặng.
Liên quan đến việc các thiết bị tồn kho trên, tháng 5 vừa qua, phòng Vật tư thiết bị y tế của BVĐK TP.Cần Thơ cũng đã có báo cáo gửi Ban giám đốc bệnh viện. Theo đó, hiện có 273 thiết bị y tế được lưu trữ trong kho ở tầng trệt và tầng 2 của BVĐK TP.Cần Thơ với tổng giá trị hơn 33,3 tỉ đồng.
Điều đáng nói hơn là phòng Vật tư thiết bị y tế cho biết, kho ở tầng trệt hiện không đảm bảo điều kiện nhiệt độ để bảo quản, ẩm thấp. Do đó, phòng này xin ý kiến Ban giám đốc Bệnh viện tìm cách giải quyết, tránh lãng phí bởi "các thiết bị này là linh kiện điện tử đã trải qua 2 năm kể từ ngày nhận và không được vận hành sử dụng".
Trong khi đó, như đã nói, dự án xây mới BVĐK TP.Cần Thơ được phía Pháp cam kết tài trợ toàn bộ thiết bị y tế ngay từ đầu, và cử người tham gia sát sao. Vậy tại sao, khi bệnh viện đưa vào hoạt động, lại “lòi” ra một số thiết bị y tế “ai đó” tự mua sắm, dẫn đến trùng lắp và lãng phí?
Thanh Nguyên