Trưởng đặc khu Hồng Kông: 'Sẽ truy cứu các hành vi vi phạm pháp luật tới cùng'
Quốc tế - Ngày đăng : 11:52, 02/07/2019
Biểu tình tại Hồng Kông vốn đã được đẩy lên cao trào trong những tuần gần đây. Hôm 9.6, nhóm tổ chức ước tính có 1,03 triệu người xuống đường, gấp đôi kỷ lục của 16 năm trước và chiếm hơn 13% dân số Hồng Kông (gần 7,5 triệu người) trong khi cảnh sát ước tính là 240.000 người. Còn một tuần sau, họ ước tính số người xuống đường có thể đạt mốc 2 triệu, tức là hơn một phần dân số Hồng Kông đã xuống đường (con số ước tính của cảnh sát Hồng Kông là 338.000 người).
Nhưng cuộc biểu tình vào ngày 1.7 thì mức độ leo thang đã lên một nấc mới. Người biểu tình phá cửa kính xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp đặc khu (LegCo). Khoảng vài trăm người, đa số các thanh niên, đã xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp và bám trụ suốt nhiều giờ. Họ đập phá bàn ghế, lật đổ tủ chứa hồ sơ và xé toạc các bức tranh treo tường bên trong tòa nhà.
Tòa nhà lập pháp Hồng Kông thất thủ đã khiến báo chí Bắc Kinh rúng động. Ngay sáng nay, trang Hoàn Cầu thời báo – phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) đã chỉ trích nặng nề vụ “bạo động” tại Hồng Kông mà đỉnh điểm là xông vào Legco. Rất nhiều từ ngữ nặng nề đao to búa lớn được tung ra phản ánh thái độ tức giận tột độ của truyền thông Bắc Kinh.
Hoàn Cầu viết: “Khi những người biểu tình xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp đặc khu Hồng Kông, đó là một cuộc tấn công ngang nhiên và mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự khinh miệt đối với nhà nước pháp quyền trong khi chà đạp lên lợi ích cơ bản của xã hội".
Trong tâm trạng bị sốc, Hoàn Cầu gọi việc tấn công trụ sở trụ sở Hội đồng Lập pháp đặc khu là “ô nhục” và “man rợ”. Tờ này viết: “Đó là một sự ô nhục khi một xã hội phát triển như vậy có thể thực hiện hành vi bạo lực liều lĩnh và man rợ này, mà nó là tín hiệu cảnh báo đáng ngại cho tương lai của thành phố” và “chuỗi bạo loạn gần đây này sẽ mãi mãi là một vết bẩn trên hình ảnh của Hồng Kông vốn được coi như một trung tâm đáng tin cậy cho tài chính và thương mại quốc tế”.
Hoàn Cầu thừa nhận: “Là một cơ quan truyền thông có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, chúng tôi đã mất tinh thần và bị sốc khi chứng kiến cảnh tòa nhà lập pháp bị bao vây. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến sự an toàn và hạnh phúc của người dân Hồng Kông.
Nhưng Hoàn Cầu cũng cảnh báo: “Với sự hiểu biết chung và phổ quát về thực thi công lý, xã hội Trung Quốc đã quá hiểu rằng chính sách không khoan nhượng là biện pháp duy nhất cho hành vi phá hoại như đã chứng kiến. Mặt khác, và nếu không có chính sách này, nó sẽ tương tự như việc mở Hộp Pandora, gây rối loạn xã hội”
Đây là bản tin tiếng Anh nên Hoàn Cầu không dùng điển tích Tàu mà dùng điển tích Hy Lạp để thế giới dễ hình dung sự việc. Trong thần thoại Hy Lạp, sự tích về chiếc hộp Pandora kì bí đã để lại cho nhân gian những điều thú vị và hấp dẫn. Theo truyền thuyết, đó là một chiếc hộp mà nàng Pandora - người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người. Nàng Pandora đã được Zeus dặn kĩ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những gì trong chiếc hộp kì bí đó đã khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… và chiếc hộp chỉ còn sót lại một chút "hy vọng" mang tên Pandora cho loài người để có thể tiếp tục sống”.
Trong khi đó, theo South China Morning Post, trong một cuộc họp báo lúc 4 giờ sáng nay, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà cảm thấy tức giận và buồn bã vì tình trạng bạo lực và hỗn loạn do người biểu tình gây ra.
Trưởng đặc khu Hồng Kông cho biết thêm cuộc biểu tình ngày 1.7 "diễn ra trong hòa bình và nói chung có trật tự". Tuy nhiên, vẫn có những kẻ quá khích sử dụng bạo lực và phá hoại khi họ xông vào tòa nhà LegCo. "Chính quyền sẽ truy cứu các hành vi vi phạm pháp luật tới cùng" – bà Lâm tuyên bố, đồng thời hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường càng sớm càng tốt.
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hoàn toàn không có chuyện chính quyền không lắng nghe người dân về vấn đề liên quan đến luật dẫn độ, nhưng “chúng tôi không đáp ứng toàn bộ các yêu sách vì lý do chính đáng”.
“Dự luật sẽ hết hạn, hay nói cách khác là dự luật sẽ hết hạn thông qua, vào tháng 7.2020 khi chính quyền đặc khu hiện tại hết nhiệm kỳ. Theo chúng tôi, đó là phản ứng hết sức tích cực”, bà cho biết.
Báo chí Anh lại tỏ ra rất lo ngại việc người biểu tình phá cửa kính xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp đặc khu sẽ khiến Bắc Kinh tức giận và hành động phiêu lưu hơn. Telegraph tỏ ra lo lắng với bài viết có tựa "Cả thế giới quan sát phản ứng của Trung Quốc với cuộc biểu tình ở Hồng Kông cùng e ngại quân đội được huy động".
Phát biểu mới nhất của Bộ ngoại giao Trung Quốc về Hồng Kông hôm 1.7
PV hỏi: Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho biết trong một tuyên bố rằng các hoạt động xã hội gần đây tại Hồng Kông khiến việc nhắc lại cam kết của Anh đối với Tuyên bố chung Trung-Anh càng quan trọng hơn. Tuyên bố cũng nói rằng tài liệu này là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Phản ứng của ông là gì?
Ông Cảnh Sảng trả lời: Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố quan điểm của chúng tôi về vấn đề này. Hãy để tôi nhắc lại, tuyên bố chung đã giải quyết vấn đề Hồng Kông, còn sót lại trong lịch sử. Khi Hồng Kông trở về quê hương và công việc liên quan đến thời kỳ quá độ đã chấm dứt, các quyền và nghĩa vụ của phía Anh theo tuyên bố đã hoàn tất. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, Trung Quốc đã nối lại chủ quyền đối với Hồng Kông và chính phủ Trung Quốc bắt đầu quản lý nó theo Hiến pháp và Luật cơ bản. Vương quốc Anh không còn bất kỳ trách nhiệm nào đối với Hồng Kông. Các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà không có sự can thiệp của nước ngoài.