Xe buýt TP.HCM mất khách khi cạnh tranh với xe ôm công nghệ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:19, 05/07/2019
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (TTQLGTCC) thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng VTHKCC thực hiện được hơn 303 triệu lượt hành khách, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 46,3% kế hoạch năm 2019.
Tuy nhiên, mức tăng này đã bao gồm các loại hình VTHKCC khác như buýt đường sông, taxi và các loại hình gọi xe công nghệ, vốn bùng nổ mạnh trong thời gian qua.
Nếu xét riêng loại hình VTHKCC trên đường bộ bằng xe buýt có trợ giá, khối lượng thực hiện trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt gần 89 triệu lượt hành khách, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 39,6% kế hoạch cả năm 2019.
Trên SGGP, ông Trần Chí Trung, Giám đốc TTQLGTCC, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm hành khách trên các tuyến xe buýt có trợ giá. Một trong những nguyên nhân đó là so với cùng kỳ năm 2018, số lượng tuyến xe buýt có trợ giá đã giảm đi 5 tuyến.
Cụ thể là các tuyến xe buýt Cảng quận 4 - Nhơn Đức (mã số 37), tuyến Bến xe miền Đông - Ngã tư Ga (mã số 40), tuyến Bến xe An Sương - Lê Minh Xuân (mã số 60), tuyến Bến xe miền Đông - KCN Tân Bình (mã số 95) và tuyến buýt mã số 149 Công viên 23/9 - Cư xá Nhiêu Lộc.Đi kèm với các tuyến cắt giảm này là số lượng hành khách bị kéo giảm 1,25 triệu lượt, tương đương mức giảm 1,3%. Con số hành khách giảm từ 5 tuyến này vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong đà giảm chung.
Vậy lượng hành khách xe buýt sụt giảm còn lại chạy điđâu khi nhu cầu đi lại của người dân vẫn không đổi?Tâm lý chung của người dân vẫn ngại đi xe buýt vì những điều bất tiện như thời gian di chuyển lâu, quãng đường đón trạm khá xa, ngồi trên xe buýt dễ bị chóng mặt, gặp phiền toái... Tuy nhiên, đây vốn là vấn đề muôn thưở của xe buýt chứ đâu phải bây giờ mới có. Vấn đề chính khiến lượng người đi xe buýt giảm chóng mặtlà thời gian gần đây, xe ôm công nghệ bùng nổ đã không chỉ cạnh tranh với xe ôm truyền thống, taxi mà cạnh tranh luôn cả với xe buýt.
Giới sinh viên trước kia ngại đi xe ôm truyền thống do bị chặt chém nên phải sử dụng dịch vụ xe buýt. Còn giờ thì họ với điện thoại di động cài 2-3 dịch vụ di chuyển, luôn biết săn các chương trình khuyến mại thì đi xe Grab, Goviet hay Bee cũng không còn quá đắt đỏ. Đi bằng hình thức này giúp họ được đưa đón tận nơi, luồn lách khi kẹt đường và tiết kiệm được thời gian, những thứ mà xe buýt không có lợi thế. Đó là các sinh viên có điều kiện tài chính dư giả một chút.
Còn những sinh viên có điều kiện tài chính eo hẹp thì sao? Nhiều người trong số họ dành dụm tiền để mua xe máy vừa làm phương tiện đi học, vừa đi làm xe ôm công nghệ. Những người này chẳng những không còn đặt chân lên xe buýt mà có khi còn kiêm luôn việc đưa đón các bạn theo thoả thuận hằng tháng.
Báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP.HCM chỉ ra một số nguyên nhân khiến tình hình hoạt động của các tuyến xe buýt tại thành phố ngày càng ảm đạm, trong đó có sự cạnh tranh của các ứng dụng gọi xe công nghệ.
"Sự phát triển của dịch vụ Grab, Go-Viet, Be... cũng cạnh tranh với xe buýt. Hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi có cự ly ngắn do sự tiện lợi, cơ động và có giá thành gần ngang với chi phí đi xe buýt", báo cáo của Sở KHĐT TP.HCM cho biết.
Xe máy ngày càng rẻ, phí đi xe ôm công nghệ ngày càng đại trà và hệ quả là xe buýt cồng kềnh ngày càng gặp khó. Mọi người dân đều có quyền lựa chọn phương tiện phù hợp nhất cho mình nhưng điều đáng lo nhất là khixe buýt càng vắng khách thì phương tiện cá nhân càng nhiều. Sài Gòn càng trở nên ngột ngạt.
TP.HCM mở làn đường giải cứu xe buýt
Bên cạnh 2 yếu tố “giá vé rẻ” và “luồng tuyến phủ khắp, thuận tiện”, thì như đã nói “đảm bảo thời gian hành trình” cũng là thông số mang tính quyết định sự sinh tồn của hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Một trong những giải pháp giúp đảm bảo thời gian hành trình được tính đến, đó là mở làn đường ưu tiên cho xe buýt.
Thời gian qua, Sở GTVT TP.HCM đã xúc tiến các bước chuẩn bị để thí điểm tổ chức 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt; trong đó, mở làn trên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn và một làn trên đường Võ Thị Sáu, đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Công trường Dân chủ.
Các tuyến khác có khả năng mở làn đường ưu tiên là trên các tuyến đường: Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội. Việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt là cần thiết nhưng cũng hứa hẹn không ít khó khăn. Đó là do diện tích mặt đường vẫn vậy, nhưng lại phải dành một phần đường để ưu tiên cho xe buýt.
theo SGGP