'Nàng tiên cá' vốn là bức thư tình đồng tính đầy tuyệt vọng của nhà văn Hans Andersen
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:26, 08/07/2019
Hơn 150 năm qua, rất nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích do nhà văn người Đan Mạch Hans Andersen (1805-1875) sáng tác. Chúng đã được dịch sang 125 ngôn ngữ và hấp dẫn mọi đối tượng độc giả từ già đến bé, làm giàu thêm cho trí tưởng tượng của họ.
Phim hoạt hình The Little Mermaid (1989)
Trong đó, nổi tiếng nhất chính là Nàng tiên cá (1837). Tuy nhiên, hầu hết những người từng nghe đến câu chuyện này hiện nay đều nghĩ ngay đến phiên bản hoạt hình được Disney sản xuất vào năm 1989 và cho rằng nó sở hữu một cái kết có hậu. Trong khi đó, nguyên bản Nàng tiên cá của Hans Andersen lại chứa đầy đau thương và sự tuyệt vọng giống như mối tình của ông dành cho chàng trai trẻ Edvard Collin.
Hans Andersen là một người song tính, say mê cả nam lẫn nữ. Điều này đã được chứng thực bằng thư từ của ông gửi cho những người tình bao gồm nam vũ công Harald Scharff và Bá tước Carl Alexander. Hans Andersen đã nhiều lần đưa trải nghiệm tình ái của bản thânvào những tác phẩm khiến chúng không chỉ đơn thuần là chuyện cổ tích mà còn phản ánh một phần cuộc đời đầy biến động và nhiều cung bậc cảm xúc của ông.
Theo cuốn sách My Dear Boy: Gay Love Letters through the Centuries (1998) của nhà văn người Mỹ Rictor Norton, Hans Andersen đã rất đau khổ khi hay tin Edvard Collin – anh chàng điển trai khiến ông say mê - sắp lấy vợ vào năm 1936. Một năm sau, câu chuyện Nàng tiên cá ra đời. Hai sự kiện này diễn ra sát cạnh nhau cho nên không thể là trùng hợp.
Hans Andersen từng viết cho Edvard Collin: “Tôi héo hon vì anh như một thiếu phụ xinh đẹp xứ Calabria... Tình cảm của tôi dành cho anh là tình cảm của một phụ nữ. Tính nữ trong bản chất tự nhiên của tôi và tình bạn của chúng ta phải vẫn là một bí ẩn”. Đáng tiếc, Edvard Collin – một người đàn ông dị tính – đã viết trong hồi ký của mình: "Tôi thấy mình không thể đáp lại tình yêu đó, và điều này đã mang lại cho ông ấy nhiều đau khổ”.
Hans Andersen
“Câu chuyện ‘Nàng tiên cá’ được viết khi Edvard Collin quyết định kết hôn, Hans Andersen đã thông qua nó thể hiện cảm xúc của mình như một kẻ ngoài cuộc phải đứng nhìn hoàng tử đẹp trai kết hôn với kẻ khác”, Rictor Norton viết.
Trong phim hoạt hình The Little Mermaid của Disney, Ariel – con gái của vua biển cả Triton – đã đánh đổi giọng hát để sở hữu đôi chân và biến thành người. Cô mong muốn được ở bên cạnh vị hoàng tử mà mình đã cứu và đem lòng yêu thương. Sau nhiều biến cố và hiểu lầm, cuối cùng, Ariel cũng đã có thể kết hôn với hoàng tử Eric trong sự tung hô và chúc mừng của mọi sinh linh sống dưới đáy đại dương.
Mặc dù vậy, trong nguyên tác của Hans Andersen, số phận dành cho Ariel đen tối hơn nhiều. Thất bại trong việc thuyết phục hoàng tử và buộc phải đứng nhìn người mình yêu kết hôn với kẻ khác, nàng tiên cá cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng. Chính lúc ấy, 5 chị gái của cô xuất hiện cùng một con dao găm mà họ đã đánh đổi mái tóc dài để có được. Họ khuyên cô giết chết hoàng tử và để máu của anh ta chảy lên cặp chân, biến cô thành tiên cá một lần nữa. Nếu không, cô sẽ chết như chưa từng tồn tại bởi lẽ cô không thể lên Thiên đàng giống như con người. Loài tiên cá có thể sống đến 300 năm nhưng sẽ không thể đến với thế giới linh hồn sau khi chết.
Nàng tiên cá lưỡng lự khi nhìn thấy hoàng tử đang nằm bên cạnh vị hôn thê thế nhưng sau cùng đã lựa chọn tự vẫn bằng cách nhảy xuống biển vào lúc bình minh, chấm dứt mạng sống của mình. Tuy nhiên, cô không chết mà đã được đưa tới thế giới linh hồn. Tại đây, cô được tuyên dương vì đã sống một cuộc đời không ích kỷ, tự hi sinh để tránh phạm tội tày trời và được ban danh là “Con gái của gió” – giống như nhiều cô gái khác trước đây. Nếu cô đồng ý phục vụ cho loài người trong 300 năm thì cô sẽ được trao cho cơ hội đến Thiên đàng.
Cái kết này từng khiến cho nhà văn P. L. Travers – tác giả loạt tiểu thuyết Mary Poppins – cảm thấy bất bình. Bà cho rằng cái kết của Nàng tiên cá “rất đáng sợ” và “sẽ khiến cho trẻ em lo sợ khi làm điều tốt”. Tuy nhiên, nếu P. L. Travers biết được câu chuyện này khắc hoạ mối tình tuyệt vọng của Hans Andersen thì có lẽ bà đã không tức giận như vậy.
Mai Thảo