Hiểm họa khi trẻ em trượt patin trên phố

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:28, 16/07/2019

Trò chơi trượt patin hiện nay phát triển khá nhanh và lan rộng ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Nhưng thay vì chơi ở các khu tập trung như khu thể thao, nhà văn hóa… thì các em lại tập trung trên đường phố, nơi xe cộ đông nghẹt, chạy nhanh, rất nguy hiểm.

Nhiều hiểm họa nguy hiểm đến tính mạng

Mới đây, khi đang ngồi uống cà phê tán gẫu cùng bạn bè trên đường Tôn Đức Thắng (thuộc khóm 5, P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), vô tình, PV nhìn thấy 1 bé trai, khoảng 7 - 8 tuổi, chân mang đôi giày trượt patin hồn nhiên trượt dài trên đường phố với tốc độ cao, khiến cho người tham gia giao thông rất khó khăn để xử lý tình huống khi tham gia giao thông trên đường khi gặp em bé này. Nhiều người rất bất bình khi chứng kiến cảnh ấy.

Thậm chí, có người dừng lại khuyên bảo bé trai không nên tự ý trượt patin trên đường vì rất nguy hiếm. Thế nhưng, theo phản ánh của người tham gia giao thông quanh khu vực này cho biết, tầm khoảng 17 giờ chiều hằng ngày là họ lại nhìn thấy bé trai này sử dụng ván trượt patin trên đường, không trang bị dụng cụ bảo hộ và mặc cho các phương tiện tham gia giao thông tấp nập trên đường. Điều đáng nói, khi em bé sử dụng ván trượt, lại không có phụ huynh trông coi.

Anh Đặng Văn Quốc, chủ quán cà phê Góc nhỏ, trên đường Tôn Đức Thắng, cho biết: “Bé trai này sống gần đây, hàng ngày ngoài giờ học là cháu lại mang giày patin trượt dài qua các tuyến đường gây mất an toàn giao thông và nguy hiểm đến tính mạng cháu bé. Thậm chí, có hôm xe cộ qua lại đông, nhiều người điều khiển phương tiện phải rất khó khăn để tránh va chạm với bé”.

Trượt patin có thể xem là trò chơi với hình thức tự phát, chơi để giải trí và rất đáng lên án nếu tham gia trên đường phố. Hình ảnh bé trai vô tư trượt patin trên đường, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập khiến cho chúng tôi cảm thấy bức xúc, lo lắng cho cháu bé. Bởi bé còn quá nhỏ, chưa ý thức được sự nguy hiểm, tại nạn có thể xảy ra với chính bản thân em bất cứ lúc nào nếu chẳng may té ngã, hay va chạm với các phương tiện giao thông trên đường.

Chị Hồng Thúy Phượng, người tham gia giao thông, ngụ P.5, TP.Cà Mau, bức xúc: “Mình thường xuyên qua lại trên đường này nên rất bức xúc khi gặp bé trai trượt patin với tốc độ cao mà không có người trông coi, không trang bị dụng cụ bảo hộ. Hành vi này có thể gây tai nạn cho người đi đường và cả chính bản thân bé. Vì vậy, tôi mong các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con em mình hơn. Đừng để đến khi xảy ra sự việc đáng tiếc thì đã quá muộn”.

Khó xử phạt

Đoạn đường mà bé trai tham gia trượt patin rất đông phương tiện qua lại. Bởi đây là ngã tư, giao với đường Trần Bình Trọng nên rất nhiều ô tô tải, xe taxi ra vào thường xuyên để lên xuống hàng hóa tại kho hàng hóa của Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau và 1 điểm rửa xe (trên đường Trần Bình Trọng có điểm rửa xe ô tô). Việc để trẻ nhỏ vô tư sử dụng giày, ván trượt patin trên đường đã gây bức xúc cho người tham gia giao thông quanh khu vực này.

1 nhân viên giao hàng của Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau, cho hay: “Tôi thường xuyên nhập hàng vào kho nên rất quen với hình ảnh trượt patin của bé trai. Thông thường, sau khi xuống hàng hóa, chúng tôi rất cẩn thận di chuyển phương tiện ra đường nhằm tránh những tình huống va chạm không đáng có xảy ra. Nếu tài xế điều khiển phương tiện khi qua đoạn đường này mà bất cẩn, thiếu quan sát hay trẻ nhỏ trượt patin bất ngờ di chuyển sang đường. Khi ấy, hậu quả sẽ rất lớn”.

Nếu tài xế ô tô quan sát không kỹ, rất dễ dẫn đến tai nạn- Ảnh: Anh Duy

Không riêng bé trai này, ngay tại một số con đường khác ở Cà Mau, vẫn thỉnh thoảng xuất hiện các bé mang giày trượt patin ngay trên phố. Ở TP.Cần Thơ, một số tuyến đường nội ô cũng xuất hiện tình trạng này. Về mặt tích cực, trượt patin không chỉ là môn thể thao giải trí mà còn là sân chơi dùng để rèn luyện sức khỏe nên rất cần được nhân rộng.

Tuy nhiên, để môn thể thao này đi vào chiều sâu, người chơi phải tham gia với hình thức tập trung, có quản lý chặt chẽ thì cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng và phải có dụng cụ bảo hộ khi tham gia hoạt động này. Việc tham gia môn thể thao này trên đường phố vừa gây mất an toàn giao thông và còn ảnh hưởng đến chính bản thân người chơi nếu chẳng may gặp sự cố va chạm trên đường.

Ông Lê Tuấn An, công chức Văn hóa - xã hội (thuộc UBND P.5, TP.Cà Mau) khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh cần quan tâm và giáo dục ý thức cho trẻ ngay tại gia đình của mình. Không cho các cháu sử dụng giày, ván trượt patin trên đường phố, nếu tham gia thì nên đến công viên, nhà văn hóa để đảm bảo an toàn. Bởi hành vi này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của các cháu và người đi đường.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa địa phương sẽ tham mưu lãnh đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và phối hợp với đài truyền thanh để tuyên truyền trên đài nhằm nâng cao nhận thức cho các em. Hành vi này chỉ dừng lại nhắc nhở, nâng cao nhận thức cho các cháu thôi, chứ xử phạt hành chính cũng rất khó, vì đa số đối tượng tham gia trò chơi này là học sinh”.

Tại điểm c, khoản 1, điều 14 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2.4.2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các hành vi như: Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường giao thông; sử dụng bàn trượt, pa-tanh (patin), các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy… sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn vì những người chơi patin chủ yếu là đối tượng thiếu niên, trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học nên ngành chức năng chỉ có thể giáo dục, nhắc nhở.

Anh Duy

Trần Khải