Người đồng tính đầu tiên được in trên tiền giấy của Anh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:45, 16/07/2019

Tờ 50 bảng Anh có in hình nhà khoa học Alan Turing sẽ chính thức được lưu thông vào cuối năm 2021.

Ngày 15.7 (giờ địa phương), Ngân hàng Anh đã công bố nhân vật sắp tới xuất hiện trên tờ 50 bảng chính là nhà khoa học lừng danh Alan Turing. Ông được lựa chọn từ hơn 1.000 nhân vật lịch sử quan trọng của nước Anh và là người đồng tính đầu tiên sở hữu vinh dự này. Bên cạnh những đóng góp to lớn của Alan Turing cho nhân loại, Ngân hàng Anh còn đặc biệt ghi nhận hoàn cảnh đặc biệt của ông khi đã bị đối xử tệ bạc chỉ vì có xu hướng tính dục khác biệt.

Mark Carney - giám đốc Ngân hàng Anh - cho biết: “Alan Turing là một nhà toán học xuất sắc đã có tác động sâu sắc đến cách chúng ta sống ngày nay. Ông không những là cha đẻ của khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo mà còn là một anh hùng chiến tranh. Những đóng góp của Alan Turing mang tính tiên phong, đột phá. Ông ấy thật sự là một ngườikhổng lồ đã mở đường cho rất nhiều người theo sau”.

Ngân hàng Anh sử dụng tấm ảnh chụp Alan Turing vào năm 1951 bởi Elliott & Fry được lấy từ bộ sưu tập ảnh của Phòng trưng bày chân dung quốc gia. Thiết kế này cũng sẽ bao gồm chữ ký của ông, ngày sinh nhật bằng mã nhị phân và một câu trích dẫn mà ông đã gửi cho tờ The Times vào ngày 11.6.1949 với nội dung: “Đây chỉ là một lời báo trước về những gì sẽ đến, và chỉ là cái bóng của những gì sẽ xảy ra”.

Sinh năm 1912 tại London, Alan Turing từng theo học đại học Cambridge trước khi trở thành nhân vật chủ chốt trong công tác phá vỡ mật mã Enigma của Đức trong Thế chiến thứ hai. Nhiều chuyên gia cho rằng thành công này đã rút ngắn thời gian diễn ra cuộc chiến xuống 10 năm. Ngoài ra, ông còn được mệnh danh là cha đẻ của ngành khoa học máy tính hiện đại với nhiều công trình nghiên cứu đáng giá.

Năm 1952, Alan Turing bị kết án vì “sự thiếu đứng đắn” do có xu hướng tính dục đồng tính (bị khép tội quan hệ tình dục với một người đàn ông ở Manchester). Ông đã nhận tội và chọn phương pháp điều trị hoóc môn nữ tương tự như thiến hóa học thay vì bị giam cầm. Ông cũng ngay lập tức bị cấm làm việc cho các công tác an ninh của chính phủ Anh.

Alan Turing chết chỉ 2 năm sau đó, ở tuổi 41, do ngộ độc xyanua. Cái chết của ông được cảnh sát nhận định là tự sát, thế nhưng trong những năm gần đây, một số sử gia đã lập luận rằng đó có thể là ngộ sát - hệ quả từ các liệu trình “chữa đồng tính”.

Năm 2009, Gordon Brown - Thủ tướng Anh khi đó - đã xin lỗi về cách đối xử "kinh khủng" của chính phủ Anh đối với Alan Turing. Năm 2013, Nữ hoàng Elizabeth II đã ký lệnh ân xá dành cho Alan Turing. Hành động này đã dẫn đến sự ra đời của “Luật Turing”. Theo đó, những người đồng tính từng bị kết án theo luật chống đồng tính ngày xưa của Anh có thể nộp đơn xin ân xá chính thức.

50 bảng là loại tiền giấy có mệnh giá lớn nhất được phép lưu thông. Phiên bản hiện nay thuộc series F - lưu thông từ năm 2011 - có hình nữ hoàng Elizabeth II ở mặt trước và nhà tài phiệt Matthew Boulton cùng nhà khoa học James Watt ở mặt sau.

Mai Thảo (theo Attitude)

Chí Thiện