Một bước tiến tới việc phát triển não nhân tạo

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:58, 18/07/2019

Lấy cảm hứng từ ngành quang sinh học (optogenetics) đang phát triển, các nhà khoa học Úc đã phát triển được con chíp mô phỏng được các chức năng sinh học của não để tạo ra và lưu trữ ký ức, điều này mở ra những khả năng phát triển hệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
          

Theo Tân Hoa Xã , các nhà khoa học ở Đại học công nghệ hoàng gia Melbourne (RMIT), Úc, đã phát triển thành công một vi mạch mô phỏng được các chức năng sinh học của não để tạo ra và lưu trữ ký ức, điều này mở ra những khả năng phát triển hệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Bằng cách áp dụng các phương pháp trong quang sinh học (optogenetics), các nhà khoa học Úc đã phát triển được một khớp thần kinh nhân tạo nhạy cảm với ánh sáng.

Một vi mạch sử dụng sóng ánh sáng để thay đổi điện trở từ dương sang âm, một hiện tượng tương đương với sự hình thành và gián đoạn các kết nối thần kinh. Điều này liên quan đến việc tạo ra những ký ức và sự lãng quên chúng, có nghĩa là các nhà khoa học đã phát triển được một khớp thần kinh nhân tạo (điểm kết nối của các tế bào thần kinh) rất nhạy cảm với sóng ánh sáng có độ dài khác nhau. Hóa ra, bằng cách sử dụng ánh sáng có màu khác nhau, các nhà khoa học đã kích hoạt hoặc ngắt được khớp thần kinh.

Trưởng nhóm nghiên cứu Sumeet Walia chia sẻ rằng ông được truyền cảm hứng từ một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi được gọi là optogenetic, sử dụng sóng ánh sáng để kiểm soát tế bào thần kinh trong não sống, và theo ông, một hệ thống như vậy có thể tạo thành cơ sở cho một thế hệ trí tuệ nhân tạo mới. Hệ trí tuệ nhân tạo này sẽ phát triển và học hỏi như một con người thực sự, định hình những ký ức mới và xóa đi những thông tin không cần thiết. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Úc sẽ làm sáng tỏ bản chất của các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và chứng mất trí, giúp phát triển các hướng điều trị mới.

Vũ Trung Hương

   

Vũ Trung Hương