Vì sao phụ nữ mắc bệnh Alzheimer nhiều hơn nam giới?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 06:05, 19/07/2019
Ở Mỹ, các số liệu thống kê cho thấy, 2/3 bệnh nhân Alzheimer là phụ nữ. Xu hướng này tưởng như có liên quan đến tuổi thọ: phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới nên có thời gian gặp các rối loạn thoái hóa thần kinh ở tuổi già. Còn nhiều người đàn ông đơn giản là không kịp sống cho đến khi bắt đầu chứng mất trí nhớ.
Tại Hội nghị quốc tế về bệnh Alzheimer (AAIC 2019) vừa diễn ra tại Los Algeles, các chuyên gia ở Đại học Vanderbilt, Mỹ đã phân tích kết quả quét não của hơn 400 người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh và bị suy giảm nhận thức nhẹ. Hóa ra protein tau, nguy hiểm cho tế bào thần kinh, lây lan khác nhau tùy thuộc vào giới tính của bệnh nhân.
Các nhà khoa học đã chú ý đến một số khu vực não bộ của phụ nữ, kết nối các khu vực khác nhau với các mạng nơ rôn, góp phần vào sự lan truyền nhanh chóng của protein tau trên não bộ phụ nữ.
Trong khi đó, các nhà khoa học ở Đại học Miami lại giải thích lý do phụ nữ hay mắc bệnh Alzheimer hơn là do gien. Sau khi phân tích bộ dữ liệu di truyền của khoảng 30.000 đàn ông và phụ nữ và xác định 11 gen làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer "theo giới tính".
Trong đó có 2 gien ở phụ nữ liên quan đến sự hình thành phản ứng miễn dịch. Còn 2 gien khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở nam giới, đóng một vai trò quan trọng trong nhập bào (endocytosis) - quá trình thu nhận các chất bên ngoài của tế bào.
Như vậy, trong tương lai, các nghiên cứu sâu hơn sẽ cho phép sử dụng thông tin thu được để phát triển các phương pháp mới phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer.
Vũ Trung Hương