Tưởng thai hành, không ngờ bị rách động mạch chủ suýt chết cả mẹ lẫn con
Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:00, 22/07/2019
Ngày 22.7, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay bệnh viện vừa cứu sống thành công cả mẹ lẫn con một sản phụ bị rách động mạch chủ kéo dài đến 20cm do bị Hội chứng Marfan mà nhiều nơi không phát hiện được.
Theo lời chị N.T.Đ. (33 tuổi, quê ở Tiền Giang, tạm trú tại quận 7, TP.HCM), khi chị mới mang thai thì thường xuấthiện những triệu chứng khó thở, ngất xỉu. Mỗi lần ngất xỉu thì chị được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng bác sĩ không phát hiện chị bị bệnh gì. Sau khi cấp cứu, chị ổn lại đưa về nhà nhưng rồi lại tiếp tục lại đau ngực, khó thở và ngất xỉu. Gia đình nghĩ chắc do chị mang thai nên hay bị mệt, khó thở vậy thôi.
Tuy nhiên mới đây, khi thai nhi được 33 tuần tuổi, chị Đ. đến Bệnh viện Từ Dũ khám thai định kỳ thì các bác sĩ ở đây nghi ngờ chị có bệnh lý động mạch vành cấp tính nên chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược để kiểm tra.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định – Phó giám Đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay tại đây các bác sĩ đã xác địnhbệnh nhân bị rách động mạch chủ do hội chứng Marfan. Chiều dài của động mạch chủ bị rách kéo dài đến 20 cm.
“Động mạch chủ có 3 lớp, nhưng rất may mắn bệnh nhân này chỉ rách có 1,5 lớp, nếu không thì bệnh nhân đã tử vong”, bác sĩ Định nói.
Do động mạch chủ bị rách, máu không lưu thông đến các cơ quan đầy đủ, trong đó máu cũng không tới thai đầy đủ khiến suy thai, thai nhi bị suy dinh dưỡng.
Các bác sĩ nhận định đây là một ca bệnh khó, cần phối hợp liên chuyên khoa để điều trị cho người bệnh. Vấn đề nan giải được đặt ra cho đội ngũ các bác sĩ là mổ tim trước hay mổ lấy thai trước. Vì thai nhi là thai non 33 tuần và hiện đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, khó có thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Nếu lấy thai sớm, động mạch chủ của người mẹ đang ở trong tình trạng nguy cấp, trong lúc phẫu thuật lấy thai có thể xảy ra rất nhiều rủi ro.
Theo bác sĩ Định, bóc tách động mạch chủ là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không xử trí kịp chỗ bóc tách sẽ bị vỡ vào khoang màng tim, gây chảy máu, mất máu, gây chèn ép tim làm tim không co bóp được nữa và người bệnh sẽ tử vong. Riêng trong trường hợp này, thai phụ này,người bệnh mang thai nên bệnh lý của người mẹ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả hai mẹ con.
Vấn đề đặt ra là làm sao để cứu cả mẹ và con là lý tưởng nhất. Đối với người mẹ, cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt, vì càng để lâu thì nguy cơ bị vỡ mạch máu càng cao hơn.
Các bác sĩ đã tiến hành một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định mổ lấy thai ra trước rồi sau đó tiến hành phẫu thuật động mạch chủ cho người mẹ.
TS.BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết ê kíp thực hiện mổ lấy thai cho sản phụ ngay tại phòng mổ tim (mổ ngang đoạn dưới tử cung lấy thai, thắt động mạch tử cung 2 bên dự phòng), bên cạnh là ê-kíp mổ tim, sẵn sàng thực hiện phẫu thuật tim bất cứ lúc nào. May mắn quá trình mổ lấy thai diễn ra thuận lợi, một bé gái khỏe mạnh nặng 1.8kg ra đời, được chuyển đến nằm phòng dưỡng nhi.
Sau ca mổ lấy thai thành công, sản phụ được nghỉ ngơi một ngày để hồi sức chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tiếp theo. Sau đó, bệnh nhân được tiến hành cuộc đại phẫu thay thay gốc động mạch chủ, đặt stent graft động mạch chủ ngực xuống.
“Ca phẫu thuật đã thành công trong sự hân hoan của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế. Hiện em bé cũng đã khỏe mạnh và xuất viện, còn người mẹ cũng đã phục hồi sau đó một tuần”, bác sĩ Định cho biết.
Cũng theo bác sĩ Định, bệnh nhân này bị dãn động mạch chủ là do hội chứng Marfan, giãn toàn bộ gốc động mạch chủ, đường kính dãn lên tới 7cm, việc có thai là yếu tố thúc đẩy, khởi phát gây ra biến chứng rách mạch máu trên mạch máu bị yếu. Vì vậy, thai phụ nên đi khám tim mạch để loại trừ những bệnh tim mạch sẵn có thể gây biến chứng.
Tuy nhiên, y văn cũng ghi nhận nhiều trường hợp sản phụ không bị hội chứng Marfan, động mạch chủ không giãn nhưng vẫn bị bóc tách động mạch chủ trong thai kỳ, nhất là các trường hợp bị bệnh tăng huyết áp, tăng thể tích tuần hoàn ở phụ nữ mang thai nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, sản phụ cần hết sức cảnh giác với các triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng dữ dội, đột ngột.
Hồ Quang