Vụ Mỹ nói Campuchia cho Trung Quốc đặt căn cứ, Phnompenh chối bỏ, Bắc Kinh ỡm ờ
Quốc tế - Ngày đăng : 06:48, 23/07/2019
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng hôm qua, 22.7, The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức cho biết Trung Quốc gần đây đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép các lực lượng vũ trang của họ sử dụng một phần của cơ sở hải quân Campuchia trên Vịnh Thái Lan, không xa một sân bay lớn hiện đang được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc.
Một số chi tiết của thỏa thuận cuối cùng chưa được làm rõ, các quan chức cho biết, nhưng một dự thảo ban đầu, được các quan chức Mỹ nhìn thấy, sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong 30 năm, với điều khoản gia hạn tự động sau 10 năm. Thỏa thuận cũng cho phép Trung Quốc có thể gửi nhân viên quân sự, lưu trữ vũ khí và tàu chiến cập cảng.
Ngoài ra, Mỹ hoài nghi Campuchia cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng sân bay đang được một công ty tư nhân của Trung Quốc xây dựng tại Dara Sakor, khoảng 40 dặm về phía tây bắc Ream. Dự kiến, Trung Quốc muốn ký hợp đồng thuê 99 năm với sân bay ở khu vực duyên hải thưa dân của Campuchia.
Khu vực mà WSJ nói rằng Campuchia sẽ cho Trung Quốc thuê đặt căn cứ hải quân
Ngay sau khi có thông tin trên thì phía Campuchia phản ứng quyết liệt. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia ông Chhum Socheat đã gọi thông tin “Campuchia bí mật ký kết cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại nước này” là nhằm mục đích phá hoại an ninh và hòa bình tại Campuchia cũng như trong khu vực.
Ông Chhum Socheat khẳng định: Bộ Quốc phòng Campuchia không hề có thỏa thuận bí mật nào cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng lãnh thổ Campuchia làm căn cứ quân sự. Thật là mỉa mai khi báo chí Mỹ chế ra thông tin là nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự tại Campuchia. Tin tức này nhằm phá hoại an ninh và hòa bình tại Campuchia và trong khu vực.
Cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã có phản ứng gay gắt với thông tin đó. "Đây là tin tức tồi tệ nhất từ trước đến nay chống lại Campuchia", Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với trang tin tức thân chính phủ Fresh News hôm 22.7. "Không có điều gì như vậy có thể xảy ra bởi vì việc để quân đội nước ngoài đồn trú là trái với hiến pháp Campuchia", ông nói.
Trong khi đó, Trung Quốc lại phản ứng rất ỡm ờ trước thông tin này. Trong cuộc họp báo vào chiều tối qua của Bộ ngoại giao Trung Quốc, phóng viên đặt câu hỏi: “Truyền thông Mỹ hôm qua tuyên bố rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng một căn cứ hải quân của Campuchia theo thỏa thuận bí mật mà hai quốc gia đã đạt được. Phía Trung Quốc có thể xác nhận điều này?”
Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng tuyên bố: “Theo như tôi hiểu, phía Campuchia đã phủ nhận điều này. Là hàng xóm thân thiện truyền thống, Trung Quốc và Campuchia đã tiến hành hợp tác toàn diện. Sự hợp tác của chúng tôi là cởi mở, minh bạch, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không bị diễn giải quá mức”.
Trước câu trả lời không đi đúng trọng tâm hỏi, phóng viên tiếp tục hỏi một cách cụ thể theo dạng “yes or no”: “Ngài nói rằng ngài biết phía Campuchia đã phủ nhận điều này. Vậy ngài có xác nhận rằng phía Trung Quốc cũng phủ nhận điều này?”.
Ông Cảnh Sảng trả lời: “Như tôi vừa nói, chúng tôi hy vọng bên liên quan sẽ không diễn giải quá mức sự hợp tác thông thường giữa Trung Quốc và Campuchia”. Sau đó, cuộc họp báo chuyển sang chủ đề khác.
Trước đó,Emily Zeeberg, phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết: “Washington đang lo ngại với bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia để mời một sự hiện diện quân sự nước ngoài tại Campuchia”
Các quan chức Mỹ đang tranh luận về việc liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định của mình đối với Ream hay không. Một số quan chức và nhà phân tích của Mỹ tin rằng Washington đã sử dụng quá nhiều gậy trong mối quan hệ với Campuchia, thường xuyên chỉ trích chuyện nhân quyền nên đã không cung cấp đủ ''cà rốt'' để tạo thân thiện.
WSJđánh giá các hoạt động quân sự từ căn cứ hải quân, sân bay hoặc từ cả hai nơi này sẽ nâng cao năng lực của Bắc Kinh để thực thi các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở Biển Đông, nhằm đe dọa các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á và mở rộng ảnh hưởng của họ đối với eo biển chiến lượcquan trọng Malacca.