Xuân Hiếu, một tiếng kèn trầm trôi ký ức

Văn hóa - Ngày đăng : 08:13, 23/07/2019

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi mình đã được sống những ngày đẹp nhất chưa nhỉ? Và thấy rất khó trả lời. Nhiều, rất nhiều nữa là đằng khác. Cuộc sống quá vội vã khiến chúng ta như con tàu lao về phía trước mà ít khi ngoái lại. Cho đến một khuya nào đó, có một vị khách lạ không rõ mặt đến gõ cửa…

Tối kia đi uống với bạn về thì mới đọc tin nhắn của cô em ca sĩ hỏi tin "anh có biết Xuân Hiếu bị ung thư chưa?". Tôi có nhiều bạn bè làm văn nghệ tên Hiếu nên đang ngỡ ngàng chưa biết ai? Cái tin nhắn thứ năm "Hiếu saxophone" tôi mới bàng hoàng. Mọi thứ của bạn ngỡ đang rất ổn, rất là tốt đẹp. Vậy mà...

Bởi vẫn chưa chịu tin một người khỏe mạnh, lạc quan yêu đời như Hiếu mà có thể mắc căn bệnh quái quỷ này nên tôi đã vào ngay trang facebook của Hiếu để đọc thì biết là tin chính xác do anh xác nhận. Đó là câu chuyện Hiếu kể đã phải xét nghiệm thử mấy bệnh viện để gặp bác sĩ tư vấn từ bênh viện Ung bướu, đến bệnh viện Chợ Rẫy và quyết định chọn bệnh viện Việt Pháp để điều trị. Sự thật đã làm tôi buồn và mất ngủ cả buổi tối.

Xuân Hiếu là một trong những nghệ sĩ saxophone hàng đầu ở Việt Nam. Anh từng phát hành đến 10 album, là tác giả của một số ca khúc như "Vì yêu", "Chỉ còn ánh mắt"... được nhiều người yêu thích. Tiếng kèn độc đáo và các bài hát của anh đã góp mặt ở nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Là một Saxophonist được giới chuyên môn và sành điệu đánh giá cao. Anh chơi tất cả các loại nhạc từ techno, pop, funk đến disco...

Nếu tiếng hát Hồng Nhung thường gắn liền với nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn, thì chất giọng Mỹ Linh, Thu Phương, Lam Trường, Cẩm Ly, Phương Thanh có vẻ gần với phong cách "bụi bặm" của Xuân Hiếu hơn.

Trong những album đã ra của anh thì hai đĩa độc tấu kèn saxo "Cát bụi" gồm những tình khúc hay nhất nhạcTrịnh Công Sơn, và 'Mưa hồng" tập hợp nhiều ca khúc chọn lọc chủ đề mưa đã ở lại với lòng người hâm mộ.


Thôi rồi. Ung thư đã trở thành một căn bệnh mà tuổi trung niên của chúng tôi ai cũng có thể bị bắn tỉa. Chúng tôi lớn lên trong một bối cảnh xã hội quá nhiều biến dạng. Loáng cái, đầu đã hai thứ tóc. Cuộc sống dập cho toé loè loe, tan tành bao mơ ước. Tuy vậy với tình yêu nghệ thuật mỗi đứa tự tìm một con đường riêng để đi. Với ít nhiều thành tựu.

Năm lên 10 tuổi, lần đầu tiên Xuân Hiếu được mẹ, một nghệ sĩ Piano chỉ dẫn làm quen với nhạc cụ và tập những bài piano vỡ lòng. Vài năm sau, Xuân Mỹ - cha của Xuân Hiếu, một sacxophonist lừng danh ở thập niên 1940/60 quyết định chọn anh trong 9 người con để truyền thụ những ngón nghề của mình.

Năm 19 tuổi, Hiếu gia nhập ban nhạc Đại Dương với tư cách là thành viên nhỏ tuổi nhất. Đến giữa năm 1996, anh tham gia thành lập Sài Gòn Jazz với ca sĩ Tuyết Loan và trình diễn hàng tuần ở Nhà hát TP.HCM. Nhạc jazz kén khán giả, không thuộc về số đông, khó cảm... Có nhiều lý do để jazz không được phổ biến như các dòng nhạc pop, techno, disco, funk vốn có đông đảo người hâm mộ. Tạm biệt jazz, Hiếu quyết định hướng con đường của mình về phía đại chúng.

Tôi không quên được tiếng kèn Xuân Hiếu là bởi anh đánh thức trong tâm hồn một ngọn lửa. Một ngon lửa nhỏ thôi nhưng cháy đượm và bền bỉ. Tiếng kèn của nỗi đau hay tiếc nuối của một thời ngỡ quá vãng. Lần đó, giữa năm 2006, Hội đồng Anh - British Council đã tổ chức nhiều buổi trình diễn và đọc thơ. Trong đó có một đêm thơ của nhóm Ngựa Trời và nhà thơ Roger Robinson từ Anh sang. Lúc đó chúng tôi vừa có con trai đầu lòng. Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc của tôi khi Nguyệt Phạm quyết định sẽ cùng con lên sân khấu trình diễn với bài thơ "Chờ con".

Bài thơ nói về những khoảnh khắc linh thiêng của cô gái lần đầu được làm mẹ, chờ đứa con đầu lòng. Sau này Bo có dính dáng gì đến nghệ thuật hay không thì chính khoảnhkhắc ấy, khi con mới 3 tháng tuổi đã lên sân khấu. Tôi đã nhờ Xuân Hiếu đến thổi kèn cho Nguyệt đọc thơ. Cùng buổi ấy giúp cho phần trình diễn thơ Nguyệt Phạm là hai nghệ sĩ có tiếng từ Mỹ về là vợ chồng anh chị Trần Lãng Minh và Nga Mi.

Thật khó quên nỗi hồi hộp của tôi lúc đó. Sự có mặt của Xuân Hiếu và tiếng kèn saxo sẽ giúp rất nhiều cho chất thơ đêm diễn. Đêm đó Hiếu kẹt rất nhiều show. Anh chỉ đến được khoảng nửa tiếng và sau đó phải đi diễn ở Palace Saigon. Còn nhớ buổi tối ấy, tôi đứng đợi Xuân Hiếu ở hầm gởi xe gần Gallery Mai trên đường Nguyễn Huệ.

Chỉ mới mười năm mà Sài gòn đã quá nhiều thay đổi. Ngày ấy khu vực Nguyễn Huệ là trung tâm sầm uất, chưa biến thành phố đi bộ như bây giờ.Đúng giờ anh tới. Chúng tôi đi cùng nhau vào đêm diễn. Đêm diễn Nguyệt Phạm khá thành công khi có tiếng kèn của Xuân Hiếu. Họa sĩ Trịnh Cung có tường thuật buổi đọc thơ Ngựa Trời đầy ấn tượng này trên đài BBC Luân Đôn. Sau này con trai tôi lớn lên có còn nhớ lần đầu tiên cùng mẹ lên sân khấu trình diễn thơ với tiếng kèn của bác Hiếu?

Nhớ lại những kỷ niệm với tiếng kèn Xuân Hiếu, tôi còn nhớ đến Nguyễn Đức Vân những ngày tu sĩ này làm CD "Đồi trăng Phương Bối". Từ Bảo Lộc anh chạy chiếc xe tay ga "con cóc" do chị Thu Nguyệt vợ cố họa sĩ Việt Hải tặng bon bon về Sài Gòn làm đĩa nhạc. Tu thiền, làm thơ, khắc đá và vẽ tranh. Nhiều cốt cách tài hoa ẩn trong một tâm hồn như thế. Tôi đã giới thiệu cho Vân nhờ Xuân Hiếu làm hòa âm giúp cho CD này.

Album gồm những tình khúc Vân viết về đồi trăng lãng đãng như thơ anh: “Hôm xưa trên khu đồi/Tôi hay chờ trăng lên/Tôi đi như trẻ dại/Hát ca với riêng mình/Ô kìa trăng xuống suối/Suối cuộn chở trăng theo/Ô trăng ghì suối lại/Hốt nắng ngàn bay đi” (Đồi trăng Phương Bối).

Ít người biết Nguyễn Đức Vân là con trai của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn tức Sơn Núi nổi tiếng... Tiếng kèn của Xuân Hiếu đã giúp những tình khúc của Vân bay lên bao nhiêu… Trong cái căn phòng trên cao như tổ chim con treo lơ lửng giữa trời ở chung cư Miếu Nổi - Phú Nhuận ấy, bao lần tôi sững sờ vì tiếng kèn chạm sáng ký ức…

Thời gian đã bao xa sao chúng ta cứ lạc về, nhớ về những ngày trẻ?…

Tiếng kèn trầm trôi ký ức...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguyễn Hữu Hồng Minh