Đà Nẵng làm nhà máy điện rác: quan ngại công nghệ và liên doanh nước ngoài
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:05, 24/07/2019
Bãi rác Khánh Sơn là khu xử lý rác thải duy nhất của TP.Đà Nẵng đi vào hoạt động từ năm 1992. Bãi rác được thiết kế với 5 hộc rác để chôn lấp chất thải rắn có diện tích 13,83ha. Hiện 5 hộc rác đã đầy, dự báo đến hết tháng 8.2019 sẽ hết công suất.
Chính quyền Đà Nẵng đã phải mở thêm hộc số 6 và tiếp theo sẽ là hộc số 7 để đảm bảo việc chứa rác của thành phố.
Trung bình mỗi năm, tỷlệ chất thải rắn của TP.Đà Nẵng tăng từ 8 - 10%. Hiện nay, mỗi ngày Đà Nẵng có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến đến bãi rác Khánh Sơn. Từ năm 2007 đến nay, đã có khoảng 3 triệu tấn rác được chôn lấp tại bãi rác này. Dự kiến, từ năm 2020-2025 sẽ tăng lên 1.800 tấn rác/ngày đêm và 2.400 tấn/ngày đêm vào 2025-2030.
Bãi rác Khánh Sơn cũng là điểm nóng về ô nhiễm và an ninh trật tự dai dẳng từ nhiều năm nay khi người dân liên tục bao vây phản đối việc ô nhiễm. Lãnh đạo Đà Nẵng đã rất nhiều lần đối thoại với người dân nhưng không tháo gỡ được nút thắt.
Với quyết định mới đây của chính quyền Đà Nẵng, sẽ không di dời bãi rác thành phố đi nơi khác mà sẽ biến Khánh Sơn thành một khu liên hợp xử lý rác thải.
Trong đó, đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phầnMôi trường Việt Nam - chủ đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn- được liên danh với một đơn vị khác nâng cấp công nghệ thành nhà máy điện rác với công suất 650 tấn. Đồng thời, xây dựng một nhà máy xử lý rác thải với công suất 1.000 tấn trong khu liên hợp này.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty cổ phầnMôi trường Việt Nam đã gây ô nhiễm khu vực khiến người dân sống xung quanh bãi rác rất phản đối. Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 2015 sau vài tháng đã phải ngừng hoạt động vì không hiệu quả.
Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty Môi trường Việt Nam hoạt động không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường thời gian qua
Việc chính quyền Đà Nẵng tiếp tục đồng ý cho Công ty cổ phầnMôi trường Việt Nam liên danh nâng cấp nhà máy mà không đấu thầu kêu gọi các đơn vị có năng lực khiến dư luận băn khoăn. Không những vậy, việc chính quyền miễn tiền thuê đất đối với gần 10ha mà công ty này được cấp cũng như sau khi công ty này liên doanh với một đơn vị khác thành một pháp nhân mới đã tạo nhiều nghi vấn. Theo thông tin ban đầu, đơn vị mà Công ty cổ phầnMôi trường Việt Nam định liên doanh đầu tư là một công ty Trung Quốc.
Trả lời các quan ngại này tại cuộc họp báo quý 2 do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức, ông Tô Văn Hùng- Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng thông tin: “Hiện thành phố có chủ trương nâng cấp nhà máy này với công suất 650 tấn với công nghệ đốt thu hồi năng lượng, nhưng công nghệ này phải được Bộ TN-MT thẩm định và và Bộ Công Thương cho phép đấu nối vào hệ thống điện thì mới được thực hiện”.
Ông Hùng cũng khẳng định rằng công nghệ đưa vào nhà máy phải có xuất xứ từ châu Âu, tỷlệ chôn lấp sau xử lý phải đảm bảo dưới 5%.
“Về đốt rác, thành phố sẽ kiểm soát về tro xỉ dưới 20% và chủ đầu tư phải dùng tro xỉ làm các vật liệu khác chứ thành phố không có trách nhiệm xử lý. Cam kết của thành phố là tro bay sau xử lý tại nhà máy dưới 5% và Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư phải xử lý luôn 5% tro bay này. Về công nghệ sẽ phải đảm bảo xuất xứ công nghệ từ châu Âu và có chứng nhận từ châu Âu”, ông Hùng nói.
Một điều đáng lưu ý là thành phố Đà Nẵng giao gần 10ha cho Công ty cổ phầnMôi trường Việt Nam làm dự án nhưng miễn tiền thuê đất với thời gian 45 năm. Dư luận đặt ra vấn đề công ty này sẽ dùng đất được miễn tiền thuê này để làm tài sản góp vốn với liên doanh mới, như vậy nhà nước sẽ bị thất thu. Ông Hùng cho biết “sau này có liên doanh thì cơ chế về đất đai sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu”.
“Tôi khẳng định lại, năng lực nhà đầu tư và năng lực của đơn vị liên doanh đảm bảo hay không thì phải qua một bươc thẩm định từ các cơ quan thẩm định như tài chính, làm chủ công nghệ, kinh nghiệm… Tôi khẳng định thành phố sẽ làm hết sức chặt chẽ chứ không phải vì muốn có nhanh một nhà máy mà bất chấp tất cả các quy định”, ông Tô Văn Hùng tuyên bố.
Tin, ảnh: Lê Đình Dũng