Quentin Tarantino gia nhập CLB số ít đạo diễn có thể sở hữu phim do mình làm ra
Văn hóa - Ngày đăng : 13:04, 24/07/2019
Tháng 11.2017, phiên đấu giá cho phim Once Upon A Time in Hollywood – dự án mới nhất của Quentin Tarantino – là cuộc chiến giữa Warner Bros và Sony. Hai ông lớn đã sẵn sàng chi trả kinh phí sản xuất 95 triệu USD cũng như đáp ứng những yêu cầu của vị đạo diễn này như khoản tiền trả thêm bên cạnh cát-xê tính theo % lợi nhuận và quyền đưa ra bản phim chiếu ngoài rạp.
Tuy nhiên, khi bàn đến việc trao quyền sở hữu phim cho Tarantino thì chỉ có Sony – khi ấy đang khao khát chiến thắng - sẵn sàng nhượng bộ. Kết quả, Sony giành được quyền sản xuất và phân phối một trong những bộ phim hay nhất năm 2019 còn Tarantino thì gia nhập một CLB gồm số ít các nhà làm phim có được bản hợp đồng hiếm có và độc đáo.
Quentin Tarantino và nữ diễn viên Margot Robbie
Từ trước đến nay, các đạo diễn thường chỉ nhận cát-xê hoặc khoản tiền trích từ % lợi nhuận (nếu có) theo thoả thuận ban đầu với studio – kể cả những tên tuổi hàng đầu như James Cameron hay Christopher Nolan. Trước Tarantino, chỉ có vài trường hợp hiếm hoi giành được quyền sở hữu đứa con tinh thần của mình là George Lucas, Mel Gibson, Peter Jackson và Richard Linklater.
George Lucas trên trường quay phim Star Wars
Một phần do họ cũng có đầu tư tiền vào kinh phí sản xuất như Mel Gibson đã làm với The Passion of Christ. Trong khi đó, Richard Linklater thì đánh cược bằng thời gian và hoãn nhận cát-xê doBoyhood phải mất 12 năm mới hoàn thành.
Ví dụ nổi tiếng nhất, George Lucas với Star Wars – câu chuyện do chính ông sáng tác và chịu trách nhiệm đưa nó lên màn ảnh rộng.
Năm 1977, Star Wars được nhiều chuyên gia dự đoán là một thất bại bao gồm ban giám đốc của FOX – studio sản xuất và phân phối phim. Chính vì thế, họđồng ý với lời đề nghị kỳ lạ của George Lucas – người vừa gây ấn tượng mạnh với phim American Graffiti. Cụ thể, ông chỉ nhận 150.000 USD thay vì 500.000 USD cho vai trò đạo diễn nhưng kèm theo 2 điều kiện.
Một, ông sở hữu quyền bán các vật phẩm ăn theo. Hai, ông sẽ sở hữu toàn bộ bản quyền cho những phần tiếp theo (nếu có). May mắn là khi đó, FOX vừa thua lỗ cho việc bán sản phẩm ăn theo phim Doctor Dolittle (1967) cộng thêm Star Wars không có triển vọng kiếm ra tiền cho nên ban giám đốc đồng ý với George Lucas.
Chuyện diễn ra sau đó thì ai cũng biết. George Lucas nhờ vào Star Wars đã trở thành tỉ phú. Cộng thêm số tiền bán bản quyền cho Disney vào năm 2012, tài sản của ông hiện đã cán mốc 5,4 tỉ USD (theo CelebrityNetWorth.com).
Peter Jackson cũng sở hữu các quyền cơ bản đối với phim Distric 9 – dự án do chính ông gây quỹ sản xuất – cũng như Bad Taste và Heavenly Creatures.
Brad Pitt và Leonardo DiCaprio trong Once Upon a Time in Hollywood
Theo Hollywood Reporter, Tarantino sẽ sở hữu hoàn toàn Once Upon a Time in Hollywood sau 30 năm nhưng nhiều nguồn tin cho rằng con số này ngắn hơn – cụ thể là 20 năm hoặc 10 năm. Ví dụ như nếu ông quyết định làm phim riêng về các nhân vật/ câu chuyện được nhắc đến trong phim thì bản quyền thuộc về ông chứ không phải Sony.
Điều thú vị là Tarantino không có gì để đánh cược, mạo hiểm hay nhượng bộ studio. Mặc dù vậy, Sony có quyền được tham gia vào các phần tiếp theo nếu có.
Nhiều người trong cuộc nói rằng Tarantino đã đạt được thoả thuận tương tự khi còn làm việc dưới trướng Harvey Weinstein thông qua hai studio chuyên sản xuất phim độc lập Miramax và The Weinstein Company. Thế nhưng, hợp đồng dạng này mà ký kết với một studio lớn như Sony được xem là một bước đột phá và mở đường cho những đạo diễn khác trong tương lai.
Một nguồn tin nói với Hollywood Reporter rằng Waner Bros không chấp nhận đề nghị của Tarantino do lo ngại nó sẽ tạo ra tiền lệ: “Nếu họ làm vậy thì sau này sẽ phải thực hiện điều tương tự với Christopher Nolan”.
Mai Thảo