TKV 'ném tiền qua cửa sổ', để dự án bauxite ở Campuchia 'chết yểu'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:22, 26/07/2019
Không còn tiền mặt, nguy cơ mất toàn bộ vốn
Báo cáo vừa được TKVcông bố cho biết Công ty Liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam (ACV) được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 6999/VPCP-HTQT ngày 28.11.2006 và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 21.12.2009, các bên ký kết hợp đồng thành lập liên doanh ACV với tổng mức đầu tư dự kiến 20 triệu USD, giữa bên A gồm TKV, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Campuchia và Kasimex Com (Campuchia) và bên B là Nadaco Group (Campuchia). Liên doanh ACV có thời hạn hoạt động 99 năm kể từ ngày thành lập.
Hiện, liên doanh này đang rơi vào tình trạng "chết yểu", trong khi TKV đang phải đối mặt với nguy cơ "mất trắng" hơn 180 tỉ đồng đầu tư. Kể từ ngày 1.1.2016, ACV còn duy nhất 1 nhân sự là Giám đốc công ty kiêm nhiệm công việc tại văn phòng đại diện của TKV tại Campuchia. Theo đó, công ty cũng không phát sinh thêm chi phí.
Báo cáo tài chính 2 năm hoạt động của liên doanh này "bết bát" cho thấy kết quả đầu tư của TKV không hiệu quả, thậm chí là lãng phí hàng trăm tỉ đồng. Cụ thể, Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 của ACV cho thấy năm 2014, liên doanh này lỗ hơn 65 tỉ đồng, năm 2015 lỗ hơn 69 tỉ đồng. Tài sản giảm 1,19% so với năm trước, vốn chủ sở hữu cũng giảm 0,88%.
Tới cuối năm 2012, khu vực mỏ bauxite tại Mondulkiri đã được ACV tiến hành thăm dò chi tiết ở 2 khu có diện tích tập trung quặng bauxite gồm Khu Tây có diện tích quặng tập trung là 119,5km2, Khu Đông có diện tích quặng tập trung là 195,5km2. Kết quả thăm dò đã khoanh định được 68 thân quặng bauxite, vớ trữ lượng quặng nguyên khai 227,4 triệu tấn, trữ lượng tinh quặng cấp hạt +1mm trạng thái khô gió là 92,7 triệu tấn.
Kết quả thăm dò và đánh giá hiệu quả đầu tư cho thấy dự án có trữ lượng nhỏ và chất lượng quặng trung bình, nếu lập dự án khai thác và chế biến quặng quy mô công nghiệp thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.
Tính đến cuối năm 2012, tổng chi phí thực hiện khảo sát, điều tra và thăm dò mà ACV đã thực hiện là hơn 142 tỉ đồng. Kể từ năm 2013 không phát sinh chi phí đầu tư thêm cho dự án, chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp
Các cổ đông cũng tạm dừng góp vốn vào công ty kể từ 1.1.2016, đồng thời chuyển nhượng toàn bộ tài sản theo giá trị còn lại cho văn phòng đại diện TKV tại Campuchia và giảm trừ vào phần vốn đã góp của cổ đông TKV. Giá trị vốn góp của TKV tại ACV cũng giảm xuống còn hơn 187 tỉ đồng.
Như vậy, kể từ ngày 1.1.2016, ACV không còn phát sinh chi phí, không còn tiền mặt và không còn tài sản cố định hoạt động. Toàn bộ giá trị tài sản còn lại của công ty gồm: Hơn 142 tỉ đồng tài sản dở dang dài hạn.
Báo cáo của TKV cũng từng "thừa nhận" do công tác điều tra, khảo sát không có hiệu quả, dẫn đến nguy cơ mất toàn bộ vốn đã đầu tư tại Công ty liên doanh Alumina Campuchia thăm dò mỏ bauxite.
Rao bán vốn gấp
Trong giai đoạn 2009-2018, ACV đã 5 lần được cấp giấy phép thăm dò, trong đó giấy phép gần đây nhất được cấp ngày 27.2.2018 sẽ hết hạn vào ngày 31.12.2019. Báo cáo của TKV cho biết tới thời điểm 30.9.2018, ACV chưa được cấp giấy phép mới. Trong trường hợp ACV không được gia hạn giấy phép thăm dò, bên cạnh việc bị thu hồi giấy phép hiện có và phải giải thể thì liên doanh này còn phải bồi thường hơn 2,1 triệu USD, tương đương 49,4 tỉ đồng.
Theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020, TKV phải tiến hành thoái hết vốn khỏi ACV. Sau khi chuyển nhượng xong các dự án đầu tư, TKV cũng sẽ chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Camphuchia.
Đáng chú ý, hiện TKV đang rao bán đấu giá toàn bộ phần vốn góp 187,3 tỉ đồng tại ACV với giá khởi điểm 189,2 tỉ đồng. Mức chênh 1,9 tỉ đồng (tương đương 1% giá gốc vốn góp) được giải thích là giá trị văn hoá, lịch sử tính theo Thông tư 59/2018 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong tình trạng công ty thua lỗ, chết yểu và giấy phép sắp hết hạn thì mức giá TKV đưa ra được cho là không thu hút các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của TKV, đến hết năm 2014, tổng số vốn đầu tư ra ngoài công ty mẹ TKV gần 13.600 tỉ đồng. Trong đó đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính cơ bản đã bảo toàn được vốn, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư chưa cao; đầu tư ra ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính đạt hiệu quả thấp.
Tuyết Nhung