Chuyện nữ anh hùng, cả 2 lần truy tặng danh hiệu đều có 'lỗi của người đánh máy'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:35, 27/07/2019
Từ câu chuyện rất đáng trách của các cơ quan có liên quan ngày nào để rồi gây ra những hệ luỵ cay đắng, chua xót của cả 2 người mẹ có con trùng tên Tuân, trùng quê huyện Gia Viễn, Ninh Bình, trùng cả ngày nhập ngũ rồi cùng hy sinh để rồi cả hai phấp phỏng đợi chờ hướng xử lý của cơ quan chức năng xác định nắm xương người nằm kia là con của mẹ nào. Và rồi thì tất cả cùng bất lực hoàn toàn bởi thời gian tuy cũng không xa là bao (40 năm) nhưng đã lấy đi độ chính xác nếu đem xác định mẫu ADN của người có liên quan.
Câu chuyện ấy thật xúc động và hồi hộp. Tôi cứ ngỡnhư là chuyện của người thân yêu với mình vướng phải. Nó đã khiến tôi nhớ lại một trường hợp, tuy không đau đớn, không hồi hộp như trên nhưng lại là cả câu chuyện dàinửa buồn xen lẫn nửa vui lẫn lộn (do chưa thật trọn vẹn). Âu cũng chỉ do "lỗi của người đánh máy"gây ra. Nhiều khi nói ra lại khổ tâm cho người lãnh đạo tối cao bị tiếng oan bởi các vị lãnh đạo ấy nào có ký trực tiếp các Huân Huy chương và các danh hiệu cao quý khác. Chữ ký trên các văn bản này bây giờ thường là dấu chữ ký.
Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thị Kim (tức Oanh) có một thời tuổi trẻ thậtoanh liệt. Bà vốn người làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định nhưng do mồ côi cha mẹ sớm nên vào Nha Trang sinh sống cùng người cậu ruột.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946, bà Kim tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nha Trang.
Khi mới 19 tuổi, bà đã là Uỷ viên Ban chấp hành lâm thời Thị uỷ, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà kiêm tiểu đội trưởng nữ du kích của địa phương cùng chức danh khác trước đó ở xã Xuân Hải, huyện Vĩnh Xương rồi bà bị địch bắt năm 1948.
Vì bà lại là vợ của Phó bí thư tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Khánh Hoà khi đó (là ông Trương An) cho nên bà đã bị chính đồng đội mìnhphản bội, khai báo. Kẻ địch đã mai phục bắt được bà khi bà đang chỉ huy một nhóm nữ du kích trên đường công tác. Chúng hy vọng sẽ khui ra cơ quan đầu não của lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà từ kênh này.
Bà Đặng Thị Kim bị tra tấn với những ngón đòn vô cùng hiểm độc và cực kỳ dã man đối với một người phụ nữ trẻ. Kẻ địch đã quay điện, treo người lên rồi đánh, tra nước cay vào vùng kín, “lộn mề gà” cho hộc máu, đạp giày đinh lên bụng (lúc này bà có thai khoảng 3 tháng)... để buộc bà khai báo bộ máy đầu não trên cơ quan chiến khu của tỉnh cùng các cơ sở cách mạng... Không khuất phục được, địch cho một tên lính lê dương bí mật vào xà lim hãm hiếp bà; sau đó bóp cổ, nhét giẻ vào miệng, bỏ bà vào bao tải, cột túm lại, bỏ lên xe chở ra rừng dương ven biển phía nam Nha Trang để chém đầu. Chúng không muốn gây tiếng nổ, phòng nhiều người biết.
Câu chuyện này lại chính do kẻ phản bội tổ chức cách mạng năm xưa, nay vì ân hận, vì bị ám ảnh suốt vài năm sau khi bị bà Kim nhổ nước miếng vào mặt ông ta rồi phỉ nhổ ông là “tên phản bội!”. Ông ta đã tìm đến gia đình người thân của bà Kim tự thú, như để nói ra cho nhẹ lòng với một tâm trạng vô cùng cảm phục khí tiết người phụ nữ từng bị mình chỉ điểm.
Câu chuyện buồn mà tôi muốn kể ở đây, ấy là sau hoà bình lập lại ít năm, gia đình người thân của bà chính thức được nhận Bảng vàng ”Tổ quốc ghi công” (công nhận là liệt sỹ) của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó, vào năm 1957, bà được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Tiếc thay, không hiểu thế nào, người viết của bộ phận thi đua khen thưởng hơn sáu chục năm trước lại viết danh xưng là” ông Đặng Thị Kim”(!!!).
Có lẽ thời điểm này gia đình bà Kim cũng không muốn làm đơn xin sửa đổi bởi họ hiểu sẽ rất phức tạp, biết đến khi nào mới có được văn bản mới nên đành... “nhịn”, cho qua.
Thật trớ trêu. Vào năm 2010, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hoà đã hiệp y, đề nghị Nhà nước truy tặng bà danh hiệu Anh hùng LLVTND với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Sau cả năm bị thất lạc hồ sơ do chưa được Bộ Quốc phòng chuyển lên thì rồi rất may, họ cũng đã tìm ra nó bị tắc ở đâu. Tiếp đó,Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho bà ngày 27.4.2012. Cả gia đình bà vỡ oà trong nước mắt vì hạnh phúc và tự hào.
Tiếc rằng, trích ngang lúc đó gửi lên cấp cao nhất về thi đua khen thưởng lại ghi quá vắn tắt, chưa chính xác.
Về chức danh công tác của bà Đặng Thị Kim (tức Oanh) đã được tổ chức kê khai như tôi vừa đề cập ở đầu bài viết, không hiểu sao “bộ phận đánh máy"của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị khi chuyển lên Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương lại ghi thành “nguyên Chi uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Xuân Hải, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hoà”.
Nếu ghi cho đúng, theo tôi thì có lẽ, hoặc sẽ ghi là "nguyên thị uỷ viên BCH lâm thời thị uỷ Nha Trang, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thị xã kiêm tiểu đội trưởng nữ du kích thị xã"; hoặc ghi là “nguyên Chi uỷ viên Chi bộ... thuộc Uỷ ban Kháng chiến hành chính xãXuân Hải...” chứ không thể ghi tắt là Chi uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến vì đây là chức danh bên Đảng chứ bà Kim không phải là "uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến...".
Qua việc này cho thấy cách làm việc của các cơ quan có trách nhiệm đã có phần hơi quá tin vào nhau, ít khi "soi” lại cho chỉnh chu để tìm ra những bất hợp lý từ dưới mà kịp thời điều chỉnh lại.
Vì thế, nhiều khi rất mang tiếng cho người thay mặt Nhà nước ký quyết định khen thưởng cuối cùng cho một ai đó.
Bài học của cả 2 câu chuyện được rút ra, theo tôi, đó là dù ở bất cứ công việc gì được giao, chúng ta hãy làm tròn trách nhiệm của mình, tránh để xảy ra những hậu quả đáng trách sau này. Hậu quả nhiều khi khiến cho người già có thể vỡ tim vì đau đớn, nhất là vết thương mất con đã đi qua, nay bỗng chốc hụt hẫng đến tột cùng vì sự nhầm lẫn tắc trách, vô cảm của ai đó như chuyện 2 bà mẹ tìm hài cốt con trai hy sinh tôi vừa nhắc đến. Còn chuyện ghi chưa chính xác trên quyết định khen thưởng nữ Anh hùng liệt sĩĐặng Thị Kim cũng vậy. Đây là phần thưởng vô giá với người đã khuất. Với gia đình thân nhân người thân củahọ, những thứ này không thể mua được bằng tiền. Ngày ngày họ vẫn phải nhìn nó, tự hào về nó. Và như vậy thì quả thật không hay chút nào nếu như chỉ vì sự thiếu chính xác do một khâu nào đó trong bộ máy của cơ quan chúng ta không kịp chỉnh sửa.
Mấy chuyện cũ trên, tôi muốn nhắc lại cũng để cả xã hội chúng ta hãy cùng có trách nhiệm hơn với người đã hy sinh vì tổ quốc.
Quốc Phong