Kỳ 6: Xã hội cà phê

Văn hóa - Ngày đăng : 09:15, 29/07/2019

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới.

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Từ “Homo Coffea” (Con Người Cà Phê) lại hình thành ý niệm “Societas Coffea” (Xã Hội Cà Phê), dựa vào một nhận định đơn giản và phổ quát là “chẳng ai đến quán cà phê chỉ để uống cà phê”.

Cũng giống như cà phê lót lòng không chỉ để bắt đầu buổi sáng mà còn là lúc chiêm nghiệm lại ngày qua và suy tính đến ngày mới, cà phê chất đầy trong nội hàm của nó những chiều kích nối liền con người với bản thân mình và người khác: cà phê trở thành lúc và nơi – nghĩa là ôm cả thời gian lẫn không gian - để con người tìm lại chính nó mà sống với người và với đời.

Chính vì vậy mà cà phê và quán cà phê đã biến thành nơi chốn hiển linh và thời khắc hiền minh chứa chan nỗi mong mỏi của con người trong những cuộc rượt đuổi miệt mài của thời đại công nghệ được khởi động vào hậu bán thế kỷ XVIII. Bởi thế mà đã có nào là “cà phê - triết”, “cà phê - văn”, “cà phê - thơ”, “cà phê sách”, “cà phê họa”, “cà phê - nhạc”, “cà phê - kịch”.... cà phê, tóm lại, không còn chỉ là cà phê mà đã trở thành phong cách sống, quan niệm sống, thái độ sống, triết lý sống… cà phê đã hóa thành nhạc, văn, thơ, triết, họa… bởi vì cà phê còn là hoài niệm cái đã qua và hướng vọng cái sẽ đến, nghĩa là tràn trề những toan tính của chính bản thân người thưởng lãm.

Sự phát triển của “Societas Coffea” còn góp phần không nhỏ vào việc tạo tác cấu hình của căn tính Tây Âu: chỉ cần pháchọa địa hình, thiết kế không gian của những quán cà phê và cách phục vụ cũng như thưởng lãm cà phê ở những thành phố khác nhau của Tây Âu là đủ để cảm nhận những nguyên mẫu phổ quát (archetypes) cũng như những tính chất đặc thù của người dân ở các nước thuộc vùng “văn minh cà phê” ở lục địa Tây Âu.

Chính vì thế mà cách uống cà phê và khí quyển văn hóa ở những quán cà phê của các thành phố khác nhau thuộc Tây Âu đã không đơn thuần là “những di chỉ của ký ức” mà còn là những “sân khấu trình hiện bản sắc của quốc gia”, từ đó mà hiểu thêm được vì sao mỗi loại quán cà phê lại có khả năng thu hút riêng cho mình một phân khúc khách hàng đặc biệt.

Chẳng phải vô cớ hoặc vô tình mà Lénine và Trostky đã cùng gặp nhau nhiều lần chỉ ở quán cà phê Rotonde khi ở Paris, hay nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhà văn Rainer Maria Rilke và nhà soạn nhạc Gustav Mahler chọn quán Central Kaffeehaus ở thủ đô của Áo làm điểm hội tụ, hoặc Albert Einstein, trong hai năm ở Praha, chỉ đến ngồi ở góc khuất sau cửa sổ của quán cà phê Louvre, hay Jean Paul Sartre đã viết những trang sống động về “cái tự ngã hiện tồn của người hầu bàn quán cà phê” trong tác phẩm triết học nổi tiếng “Hiện hữu và Thinh không” chẳng ở đâu khác mà lại ở ngay bàn gần lò sưởi của quán cà phê flore nằm trên Saint-Germain-Des-Prés tại Paris…

* Đón đọc kỳ sau: Lời nguyện cầu thịnh vượng từ vùng đất khởi sinh cà phê

T.N.L