Hơn 280.000 thí sinh đã điều chỉnh nguyện vọng sau công bố điểm thi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:09, 31/07/2019
Trong số này có 225.260 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến và 59.672 thí sinh điều chỉnh bằng phiếu. Có 50 thí sinh đăng ký điều chỉnh khu vực ưu tiên, 80 thí sinh đăng ký điều chỉnh đối tượng ưu tiên. Riêng trong ngày 29.7, số lượng thí sinh điều chỉnh theo hình thức trực tuyến tăng hơn 30.000; điều chỉnh bằng phiếu tăng hơn 8.500 thí sinh; 6 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên, 6 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến kết thúc lúc 17 giờ ngày 29.7. Với thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu, thí sinh sẽ còn ngày hôm nayđể thực hiện điều chỉnh nguyện vọng; thời gian kết thúc là 17 giờ ngày 31.7.
Thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu) trước 17 giờ ngày 1.8.
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích, Bộ GD-ĐT cũng khuyên thí sinh nên lượng sức mình và chọn ngành trước mới chọn trường sau, tránh tình trạng tâm lý chạy theo đám đông. Thực tế cho thấy, bên cạnh những học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nhìn nhận rõ điểm mạnh, yếu của bản thân cũng như xu hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm trong tương lai thì hiện vẫn còn một bộ phận học sinh còn lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính, theo phong trào và theo tâm lý đám đông.
Nhiều em đến sát thời điểm thi, cầm trên tay hồ sơ đăng kýmà chưa biết học trường nào tốt thì lại a dua theo đám đông, thấy nhóm bạn thân hay những người bạn mình thích vào trường nào thì mình cũng theo vào đó mà chưa nhận thức đầy đủ kiến thức về nghề mà mình sẽ theo đuổi và gắn bó.
Một số học sinh khác thì chọn trường hoàn toàn theo định hướng của gia đình hoặc theo ý thích của bố mẹ. Hệ quả của việc lựa chọn ít nhiều mang tính thực dụng này là nhiều học sinh đã rơi vào trạng thái chán nản, không tìm thấy niềm vui, sự say mê với nghề nghiệp tương lai; một số em cố học cho xong 4 năm đại học, một số em khác thì quyết định “làm lại từ đầu” bằng cách xét tuyển vào những ngành học khác phù hợp với năng lực của mình hơn.
PGS-TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cũng đưa ra 3 lời khuyên chọn trường, chọn ngành, nghề cho thí sinh. Đó là phải chọn ngành yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân, không chạy theo đám đông. Cầnchọn trường có các ngành yêu thích nhưng phù hợp với điểm mình đạt được.Để làm được điều này, thí sinh cần phải xem xét, tham khảo kỹ điểm trúng tuyển các năm trước để đối chiếu trước khi quyết định có điều chỉnh nguyện vọng hay không. Cuối cùng, thí sinh sắp xếp nguyện vọng từ trên xuống dưới theo mức điểm trúng tuyển của ngành yêu thích đó mà các trường đã công bố qua các năm, để đảm bảo đỗ được trường tốt nhất theo quan điểm của mình.
Bài và ảnh: Dạ Thảo