Đạm Hà Bắc: Âm vốn chủ sở hữu, nợ chồng chất
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:35, 02/08/2019
Báo cáo Tài chính hợp nhất quý 2/2019 của của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) cho thấy doanh thu thuần đạt 849 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng ở mức cao, lên đến hơn 745 tỉ đồng, do đó lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn vỏn vẹn 103 tỉ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý giảm mạnh so với quý 2/2018, trong khi các khoản chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đang âm 167 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Đạm Hà Bắc âm đến 167 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Đạm Hà Bắc đã lỗ đến 220 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc lên gần 2.900 tỉ đồng.
Tổng nợ phải trả đến hết ngày 31.6 vừa qua là 9.470 tỉ đồng, trong đó tổng nợ vay lên đến 7.439 tỉ đồng, bao gồm: 1.331 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 6.108 tỉ đồng nợ vay dài hạn.
Lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết, doanh nghiệp này tăng lỗ là do tình hình cung ứng than hết sức khó khăn, giá than tăng, khiến chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình tài chính cũng hết sức khó khăn, chi phí tài chính, lỗ tỷ giá tăng, đặc biệt là lãi phát quá hạn tăng cao.
Hiện nay, gánh nặng tài chính vẫn là nỗi ám ảnh với Đạm Hà Bắc. Năm 2018, Đạm Hà Bắc đạt doanh thu là 3.087 tỉ đồng, nhưng riêng chi phí tài chính gồm lãi ngắn hạn, dài hạn tỷ giá đã là 820 tỉ đồng. Như vậy, chi phí lãi vay chiếm 27-28%. Năm nay, theo tính toán thì chi phí tài chính của đạm Hà Bắc cũng hơn 800 tỉ đồng trên kế hoạch doanh thu 3.100 tỉ đồng.
“Đó là gánh nặng khủng khiếp”, lãnh đạo Vinachem chia sẻ. Chi phí tài chính quá lớn khiến đạm Hà Bắc dù đã tiết giảm chi phí, hoạt động tốt hơn nhưng vẫn rất khó khăn. Vì thế lãnh đạo Vinachem mong rằng có giải pháp để ngân hàng hỗ trợ về chi phí lãi vay, nhất là trong bối cảnh giá điện vừa điều chỉnh tăng thì Tập đoàn không biết phải xoay sở thế nào.
Đạm Hà Bắc là 1 trong 4 "quả đấm thép" thua lỗ của Vinachem, thuộc 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương. Theo kế hoạch của Vinachem, trong năm 2018, Vinachem sẽ bán hết vốn tại Đạm Hà Bắc. Tuy nhiên, với việc thua lỗ nặng như hiện nay, kế hoạch này có lẽ khó thành công.
Đạm Hà Bắc là một thương hiệu đã trở nên quen thuộc đối với những người nông dân và được cho là "huyền thoại" của sự nghiệp phát triển kinh tế miền Bắc của thế kỷ trước.
Năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD. Khi đó nguồn vốn tự có chỉ có khoảng 102 triệu USD, nên công ty phải đi vay tổng cộng hơn 5.000 tỉ đồng
Tuy nhiên, năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động, cũng là lúc công ty lâm vào thua lỗ nặng với con số 675 tỉ đồng, năm 2016 số lỗ dự kiến khoảng 488 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, năm 2019 Đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ luỹ kế, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi số nợ tăng cao, âm vốn chủ sở hữu, giá phân đạm giảm mạnh cùng sự cạnh tranh quyết liệt, thì nguy cơ công ty thua lỗ sẽ lớn hơn nhiều lần so với dự báo ban đầu.
Tuyết Nhung