Bài 2: Ông lão mù lênh đênh sông Hậu mưu sinh

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:25, 03/08/2019

Thân hình khắc khổ nhỏ bé, cái lưng và khuôn mặt luôn cúi xuống, mỗi ngày trôi qua ông lão mù Trương Thanh Liêm chỉ cố gắng làm tốt 1 việc: nhặt nhạnh vài đồng về nuôi vợ và bầy chó ở nhà. Và bí quyết để ông kiếm tiền là nhờ vào tiếng đàn tự chế réo rắt vào lòng người.

Bài 1: Chàng trai mù bẩm sinh và sự dằn vặt của một gia đình

Hoàn cảnh ra đời của cây đàn đặc biệt

Gần 5 giờ chiều, ông lão Trương Thanh Liêm lần tìm chiếc điện thoại “cùi bắp” rồi mò bấm số gọi cho người xe ôm quen thuộc. Ông cười mà rằng: “Tui mù thì mù vậy đó chứ tự gọi được điện thoại à nghen. Không tin, chú bấm số chú vô đây tui gọi lại cho coi”, và quả nhiên sau một lúc mò mẫm, ông làm được thật.

Xe ôm tới, ông Liêm tạm biệt vợ, bước ra khỏi căn nhà trọ ẩm thấp bắt đầu 1 buổi tối mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Nhiễu (66 tuổi) vợ ông Liêm nhìn chồng lên xe rồi cũng khó nhọc bước vào nhà khép cửa lại. Họ là đôi vợ chồng già sống chung với nhau hơn 30 năm qua mà không có một mụn con nối dõi. Họ như sống ở một thế giới khác, ở đó chỉ có họ và bầy chó mà 2 vợ chồng hết mực thương yêu.

Hành trang ông Liêm mang theo rất đơn giản, 3 thứ gồm, 1 cái gậy được làm từ ống nước, 1 cái túi nhỏ đựng vé số. Và cái đặc biệt nhất là cây đàn tự chế có 1 không 2 mà người ta thường nói vui là “phá vỡ các định luật về âm nhạc”. Lịch sử ra đời của cây đàn này cũng hết sức tình cờ mà căn nguyên cũng xuất phát từ cái sự mù của ông mà ra.

Ông Liêm và vợ sống trong căn nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp - Ảnh: Thanh Nguyên

Năm nay 68 tuổi, ông Liêm quê quán vốn miệt Năm Căn, Cà Mau. Thưở sinh ra, ông cũng là 1 đứa trẻ bình thường, sống trong 1 gia đình con cái nheo nhóc. Năm lên 3 tuổi, 1 cơn bệnh đã cướp đi đôi mắt của ông. Rồi từ đó, ông phải tập thói quen sống trong bóng tối. Lớn lên trở thành 1 thanh niên mù lòa cũng là lúc song thân không còn trên cuộc đời.

Gia đình ruột thịt mỗi người một cuộc sống nghèo khó, không ai có khả năng cáng đáng ông. Ông phẫn chí bỏ xứ ra đi cầu thực, hành trang mang theo không có gì ngoài khả năng chơi được đàn ghita sau nhiều năm khổ luyện.

“Lúc đầu mình nghe hay rồi để ý, tự đi kiếm đàn về tập, năm này qua năm khác rồi mình chơi được thôi. Lúc mới biết chơi, cây đàn tôi có được là do đi xin đàn cũ của người khác. Rồi cây đàn cũng bị trộm lấy mất, cần câu cơm của tôi không còn. Buộc tôi phải tìm cây đàn khác”, ông Liêm kể.

Thế rồi không có tiền mua đàn, cái khó ló cái khôn, ông nghĩ cách lấy 1 mảnh ván, đục đẽo thành hình thù như cây đàn sến dài tầm 70 phân (cm). Ở 2 đầu ông đóng 2 dãy đinh để căng 2 sợi dây thắng xe đạp tách nhỏ ra. Phần thùng đàn, ông dùng 1 chiếc thau nhôm úp vào mảnh ván. Vậy là ông căng 2 sợi dây thắng xe đạp ra, ở đầu cần đàn ông chèn vô thêm 1 chiếc bu lông để cố định dây đàn và cũng là thứ dùng để điều chỉnh dây đàn.

Rồi tay phải ông gảy, tay trái ông dùng 1 chai dầu thơm dạng bằng thủy tinh để ấn vào dây đàn tạo nên những nốt nhạc. Cái thứ đàn không giống ai đó dưới khả năng cảm âm cực nhạy của ông đã làm nên chuyện. Không biết bao nhiêu bài Đờn ca tài tử đã được ông gảy nên, giúp ông đặc biệt hơn trong quá trình khất thực.

2 mảnh đời

30 năm trước, lúc ông còn lang thang ở Bạc Liêu, tình cờ ông gặp 1 người phụ nữcùng quê làm nghề gánh nước thuê. Đó là bà Nguyễn Thị Nhiễu (66 tuổi), vợ của ông hiện nay. “Mình cũng là người tha hương cầu thực, duyên số đưa đẩy gặp ổng rồi gắn bó với nhau. Tôi là 1 người phụ nữ bình thường, có thể tìm 1 tấm chồng tốt hơn để nương tựa. Nhưng không hiểu sao từ khi biết ông ấy, có 1 sự gắn kết kỳ lạ kết nối lại”, bà Nhiễu kể về khoảng thời gian đầu gặp chồng.

Thế rồi họ gắn bó với nhau trên dòng đời, cùng nhau mưu sinh tạo dựng cuộc sống. Rồi bà cũng mang thai, nhưng trong lúc gánh nước thuê bất cẩn, bà bị té dưới bờ sông. Tai nạn lần đó khiến bà mất đi đứa con đầu lòng khi cái thai mới hơn 3 tháng tuổi và khả năng làm mẹ cũng vĩnh viễn không còn…

Ông Liêm lên xe ôm, chuẩn bị đi lấy vé số để bán - Ảnh: Thanh Nguyên

Trong những câu chuyện về cuộc đời của 2 mảnh đời này cứ phảng phát một điều gì u uẩn. Đành rằng, đối với 1 người mù như ông Liêm thì luôn có những câu chuyện buồn trong cuộc sống. 1 người phụ nữ bất hạnh như bà Nhiễu thì mỗi ngày cũng khó có được 1 nụ cười trọn vẹn. Thế nhưng, những câu chuyện về họ là những xui rủi cứ chồng lấn lên nhau. Những điều này khiến họ thu mình lại, và chỉ cố sống sót qua ngày.

Rồi dòng đời xô đẩy họ lạc đến Vĩnh Long - Cần Thơ, nơi họ chọn sống là bờ sông Hậu thuộc địa phận TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Hằng ngày, ông Liêm ôm cây đàn tự chế mò mẫm ở các bến phà Cồn Khương, Bình Minh để vừa bán vé số vừa khất thực. Còn bà Nhiễu cũng với xấp vé số rong ruổi từ sáng đến tối để kiếm vài chục ngàn sống qua ngày. Trong căn nhà trọ được thuê với giá 500.000 đồng mỗi tháng đó, không có lấy được một vật gì giá trị.

Thứ giá trị nhất đối với đôi vợ chồng già là bầy chó gồm 3 con: 2 cái, 1 đực. 2 con chó cái liên tục sinh nở, và hiện đang có 8 chú chó con do 2 người mẹ chó sinh ra. 3 chú chócon rất quấn chủ, nhất là khi thấy có người lạ trong nhà, chúng ngồi quanh ông Liêm và mắt luôn hướng về người khách để theo dõi nhất cử nhất động. 2 vợ chồng ông Liêm luôn thay nhau vuốt ve, cưng nựng mấy con chó như trẻ nhỏ trong nhà.

“2 vợ chồng làm không đủ ăn, sao nuôi chi cho nhiều vậy?”, 1 người hàng xóm mới của ông Liêm hỏi. “Thì nuôi cho trong nhà có thêm tiếng động, có thêm thành viên cho đỡ cô đơn. Chứ 2 vợ chồng già cũng sầu thúi ruột gan. Đợt rồi tôi bệnh nằm viện cả tuần trời, mấy “đứa nhỏ” ở nhà không ai chăm, nhớ muốn chết”, bà Nhiễu kể về những chú chó như con cháu trong nhà. Nghèo khó là thế, nhưng nhiều lứa chó con sinh ra, 2 vợ chồng không bán lấy 1 con nào mà chỉ để dành cho những gia đình cần nuôi chóthực sự.

Dáng ngồi khắc khổ của ông Liêm bên bến đò Cồn Khương - Ảnh: Thanh Nguyên

Cuộc sống cơ hàn đã bủa vây đôi vợ chồng già này ngay từ lúc chào đời. Thế nên, việc họ mơ ước mỗi ngàychỉ là làm sao kiếm đủ tiền để sống hết ngày. Một mong mỏi chính đáng và cũng vất vả, bất khả thi đối với họ. Mấy tháng nay, bà Nhiễu đổ bệnh khớp, rồi tiểu đường khiến bà không còn đi bán vé số được nữa, sau chuyến nằm viện phải đi vay mượn tiền bạc. Bây giờ gánh nặng trả món nợ hơn chục triệu một mình ông Liêm phải tính toán.

“Mà đã hết khổ đâu chú, ổng đi bán vé số vậy đó chứ có ngày cũng bị mất mát. Mấy người không có tâm, nói mua vé số, lấy cả cọc rồi giật luôn hoặc lấy nhiều tờ mà trả tiền ít. Lâu lâu lại mất mấy trăm ngàn, nợ cứ chồng nợ. Mà giờ không bán vé số, chúng tôi cũng không biết làm gì nữa”, người vợ kể.

Chúng tôi theo chân chiếc xe ôm đưa ông Liêm xuống bến đò Cồn Khương trong buổi chiều tà. Trên bến đò đông người qua lại, ông Liêm ngồi một góc, móc xấp vé số ra để trên đùi, bắt đầu 1 buổi mưu sinh. Khi có người mua vé số, ông giao hết cho họ cả xấp để họ lựa rồi chăm chú lắng nghe, dõi theo một cách khó khăn người mua. Để lừa được ông lão mù thì dễ như lấy đồ trong túi, nên ông chỉ biết trông chờ vào sự tử tế của những người qua đò.

Chờ những chuyến đò thưa khách, ông Liêm quơ chiếc gậy để lên đò bán vé số. Ông mò mẫm, len lỏi rồi dạo lên 1 khúc cổ nhạc phục vụ cho người qua đò. Sau 1 ngày làm việc mệt mỏi, qua đò hóng 1 luồng gió mát, nghe 1 khúc ca cổ từ cây đàn có 1 không 2 của ông mù, ai cũng gợn lên tâm tư. Người không mua vé số thì để vào cái ca nhựa ông mang theo vài ngàn đồng. Lòng hảo tâm đó đã giúp ông Liêm và vợ sống được mấy chục năm qua và có thể sẽ kéo dài nữa.

Cây đàn có 1 không 2 của ông Liêm - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Liêm trở về nhà lúc gần 9 giờ tối, khi chuyến đò cuối cùng trong ngày kết thúc. Và sáng hôm sau lại tiếp tục trở ra bến đò… Thời gian nghỉ hiếm hoi của ông là lúc chiều sau khi trả vé số bán không hết trước giờ chót, ông về nhà ăn cơm, vuốt ve những chú chó, ngả lưng một chút chờ đến 5 giờ chiều. 2 vợ chồng luôn cố gắng để mỗi ngày đều có thể trôi qua như thế. Nếu 1 ngày ông Liêm không ra bến đò được, thì những ngày sau đó sẽ khó khăn, họ sẽ đánh vật với những cơm áo gạo tiền chồng chất.

“Ở đây, ai cũng thương vợ chồng ông lão. Không biết đến sau này khi họ không còn nhấc chân bước đi kiếm ăn được nữa thì sẽ như thế nào”, 1 người hàng xóm của vợ chồng ông Liêm nói. Và đó cũng là suy nghĩ của vợ chồng ông Liêm, nhưng họ không biết làm gì hơn mà chỉ biết phó mặc cho số phận.

Thanh Nguyên

Nguyên Việt